Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 2/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 84,09 USD/thùng, tăng 0,04 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 1/11, giá dầu WTI giao tháng 12/2021 đã tăng 0,97 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 1/2022 đứng ở mức 84,72 USD/thùng, tăng 0,01 USD/thùng và tăng tới 1,25 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 1/11.
Giới phân tích đánh giá, chỉ sau ngày 1/11 giảm mạnh một phần do nguồn cung dầu từ OPEC+ sẽ được bổ sung thêm 400.000 thùng/ngày, giá dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh. Nguyên nhân khi Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất của OPEC, vẫn tỏ thái độ cứng rắn về việc thực thi chính sách sản lượng của OPEC+, bất chấp sức ép từ Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu dầu thô hàng đầu đối với OPEC+ để tăng sản lượng khai thác.
Theo Bloomberg, những quan ngại về việc giá dầu tăng cao có liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về khả năng giá dầu thô lên mức 100 USD/thùng.
Giá dầu ngày 2/11 còn được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, khi thông tin về chỉ số sản xuất của nền kinh tế Mỹ vẫn ghi nhận diễn biến tích cực.
Dữ liệu vừa được Viện Quản lý nguồn cung Mỹ công bố, chỉ số sản xuất (ISM) trong tháng 10 của nền kinh tế số 1 thế giới chỉ đạt 60,8%, thấp hơn so với mức 61,1% của tháng 9. Mặc dù đạt thấp nhưng chỉ số ISM trong tháng 10 của Mỹ vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối diện với một loạt thách thức do tình trạng thiếu hụt năng lượng, các chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn…
Nhu cầu dầu thô ở châu Âu được dự báo vẫn ở mức cao, bất chấp việc Nga có thể tăng nguồn cung khí đốt bắt đầu từ ngày 8/11.