Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu sẽ minh bạch hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là một trong các vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công Thương còn “nợ” đại biểu và cử tri.

Nhắc lại điều đó tại phiên chất vấn chiều nay 10/6, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) hỏi, theo phản ánh của nhiều cử tri, việc kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua còn nhập nhằng, thiếu minh bạch, có biểu hiện về nhóm lợi ích, nhưng các bộ nhiều lần đổ cho Nghị định 84. Bộ trưởng đã nói sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ ngành liên quan sửa đổi thay thế Nghị định 84 nhằm khắc phục tồn tại trong điều hành giá xăng dầu, nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ. Vậy lý do vì sao chậm, trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào? Nhất là sắp tới lại chuyển điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế Nghị định 84 vận hành tạo tiền đề thuận lợi thực hiện chủ trương giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thấy rằng một số phát sinh cần xem xét bổ sung làm sao bám sát tín hiệu thị trường hơn tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mang lại lợi ích người tiêu dùng.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Trong điều hành giá xăng dầu trong năm 2013 và đầu năm 2014, liên bộ Tài chính - Công Thương đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thậm chí yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cắt giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá cơ sở nhằm bình ổn giá xăng dầu bán trong nước, kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nhà nước và người dân; từng bước xóa bỏ tình trạng bù chéo trong điều hành về giá cả trong nền kinh tế.

Mỗi lần điều hành giá xăng dầu đều có tài liệu gửi các cơ quan thông tấn báo chí, công khai từ giá thế giới, giá bán. Giá liên bộ đưa ra là giá trần tối đa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được phép bán, còn các doanh nghiệp có quyền quyết định giá bán nhưng không được cao hơn. "Vừa rồi xuất hiện yếu tố khá mừng là một số doanh nghiệp bán dưới giá trần, nhưng cũng không ít doanh nghiệp lỗ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ đã công khai việc hình thành, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của từng doanh nghiệp trong từng quý. Trong năm 2014, Bộ tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong điều hành giá xăng dầu. Đó là công bố công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày làm căn cứ để điều hành giá xăng dầu trong nước.

Về việc chuyển điều hành sang Bộ Công Thương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Luật Giá, bộ hoặc cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực mình quản lý. Chẳng hạn, giá viễn thông đã được giao về Bộ Bưu chính viễn thông quản lý, giá thuốc, dịch vụ y tế giao Bộ Y tế, giá điện giao Bộ Công Thương... Do đó, trong quá trình soạn thảo dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đã đề nghị để Bộ Công Thương chủ trì điều hành giá xăng dầu, dự kiến việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cũng được giao về Bộ Công Thương để tập trung trách nhiệm vào một đầu mối thay vì liên bộ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chủ trì mà vẫn phối hợp với Bộ Tài chính trong điều hành giá. Hơn nữa, việc điều hành giá phải theo đúng nghị định mới đã được quy định rất chặt chẽ. Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ trong việc quản lý giá, Bộ Tài chính sẽ phải tăng cường hơn nữa vai trò giám sát việc tăng giá của doanh nghiệp cũng như các quyết định điều hành giá của các cơ quan chức năng.

Liên quan đến nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được yêu cầu trả lời bổ sung đã nhận trách nhiệm và hứa sau khi lấy ý kiến đầy đủ của các thành viên chính phủ, Nghị định sẽ sớm được ban hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 84 sẽ có nhiều điểm mới nhằm tạo môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh hơn, tăng tính công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá... thời gian tính giá cơ sở sẽ chỉ còn 15 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay. Nghị định mới còn được cho là sẽ tăng cường quản lý hệ thống phân phối theo chuỗi, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, bổ sung hình thức phân phối xăng dầu mới, quy định về dự trữ xăng dầu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu..