Các DN vận tải đang đối mặt với một bài toán khó. Tăng giá vé để bù vào giá xăng dầu tăng, dễ khiến hành khách quay lưng nhưng nếu không tăng giá vé, họ sẽ khó có thể trụ vững.
Khốn càng thêm khó
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn của các DN vận tải nên việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến cho nhiều DN thật sự khốn đốn.
“Sau Tết, chúng tôi mới hoạt động trở lại được khoảng 30% phương tiện vì lượng hành khách đi xe vẫn còn rất vắng” – ông Bằng nói và cho hay, để thích ứng phù hợp với tình hình vắng khách như hiện nay, DN của ông đã tập trung đưa các xe cỡ nhỏ, ít giường vào hoạt động bởi nếu chạy xe lớn, nhiều giường mà khách vắng thì lỗ càng thêm lỗ.
Điều khiến ông Bằng và nhiều chủ DN vận tải lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục leo cao thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được. Thông thường, khi giá nhiên liệu tăng, các DN vận tải sẽ tính đến phương án điều chỉnh tăng giá vé để cân bằng thu – chi. Tuy nhiên, trong thời dịch bệnh như hiện nay, cách làm đó chưa chắc đã mang tới hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.
“Nếu DN vận tải tăng giá sẽ là không chia sẻ với người dân, không phù hợp với tình hình hiện tại, trong khi giá nhiên liệu không ngừng tăng” – ông Bằng nói. Theo ô Bằng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, hành khách vẫn e ngại vấn đề dịch Covid-19 thì tăng giá vé chẳng khác nào tự sát.
Theo ông Bằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương cần sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân và DN vận tải.
Đồng quan điểm trên, ông Tô Quang Học - Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học (chủ sở hữu nhà xe Phiệt Học) cho biết, DN này đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới trước tình trạng giá xăng, dầu, nhiên liệu tăng phi mã trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Học cũng thừa nhận, đây là việc làm không hề dễ dàng bởi hiện nay hành khách đi xe vẫn còn vắng, tăng giá vé có thể khiến càng vắng thêm.
“Suốt hai năm qua, những DN vận tải như chúng tôi đều lao đao vì dịch Covid-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải” – ông Học nói và khẳng định, giá xăng dầu hiện nay đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua, cộng với ảnh hưởng của Covid-19, nhiều DN vận tải đang đứng trên bờ vực phá sản.
Khó hạ nhiệt giá xăng dầu
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua, thậm chí đạt ngưỡng kỷ lục trong 8 năm qua đã và đang gây ra những tác động tiêu cực lớn cho hoạt động vận tải trong nước.
“Đáng lo ngại nhất là các DN vận tải hành khách vì họ vẫn chưa phục hồi được, hành khách đi xe vẫn còn rất vắng. Giờ chi phí cho mỗi chuyến xe lại bị giá xăng dầu đội lên cao, nhiều DN sẽ không thể trụ nổi” – ông Bùi Danh Liên cho biết.
Chuyên gia giao thông này đề xuất, để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, DN. Tuy nhiên, ông Liên cũng thừa nhận, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, việc trợ giá xăng dầu cũng là giải pháp không dễ thực hiện.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, đối với các DN, trong đó có DN vận tải, dịch Covid-19 và giá nguyên liệu đầu vào chính là hai mối lo lớn nhất của họ trong thời gian qua. Trong khi đó, xăng, dầu chính là một trong những nguyên liệu đầu vào có tác động lớn nhất tới hoạt động kinh doanh sản xuất của các DN vận tải.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt đã giúp cho các DN vận tải có cơ hội để phục hồi. Tuy nhiên, không như các lĩnh vực kinh doanh sản xuất khác, vận tải, nhất là vận tải hành khách cần thời gian tương đối dài mới có thể phục hồi và lấy lại được đà phát triển như ban đầu. Tuy nhiên, dịch bệnh vừa tạm ổn định, giá xăng dầu lại leo cao đã trở thành rào cản thật sự cho sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực vận tải nói riêng.
“Giá xăng dầu liên tục tăng đã gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế” – PGS.TS Ngô Trí Long nói và cho rằng, việc tìm ra giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu vào lúc này rất khó khăn.
Bởi muốn hạ nhiệt giá xăng dầu thì chỉ có cách điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, quỹ bình ổn hiện đã cạn. Trong khi mỗi lít xăng hiện nay bán ra thị trường đang phải gánh tới 4 loại thuế khác nhau (gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít). Tuy nhiên, nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ, mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, hiện giá xăng dầu trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Do đó, nếu không thể điều chỉnh được hai “van” thuế và quỹ bình ổn giá thì cách duy nhất để giảm giá xăng dầu trong nước chỉ là chờ giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt.