Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa cho biết, các DN hội viên đã đón nhận tin tăng giá xăng với trạng thái khá “sốc”. Vì hiện DN đều đang gặp khó khăn mà giá xăng lại tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua. “Việc tăng giá xăng này chắc chắn sẽ phản ánh vào chi phí vận tải nội địa, chi phí vận tải quốc tế thông qua phụ phí về cước xăng dầu… Điều này kéo theo ảnh hưởng đến hoạt động của DN logistics, khiến chi phí tăng, từ đó còn ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các DN nói chung” - ông Khoa nói.
Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu.
Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương cho biết, tình hình dịch Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, hàng hóa được vận chuyển lưu thông nhưng do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất cũng tăng cao 20% so với thời điểm trước làn sóng dịch thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến DN. Nguồn sản xuất chưa ổn định lại cộng hưởng với chi phí từ xăng dầu tăng đột biến thì DN buộc phải giải quyết bài toán về chi phí để có được mức giá ổn định nhất cho sản phẩm của DN. “Tại thời điểm này tăng giá thành của sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ do dự để lựa chọn mua, làm gia tăng cạnh tranh khốc liệt hơn giữa những sản phẩm có cùng loại, tạo ra muôn vàn khó khăn cho DN” – doanh nhân này nói.
Hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp khi nhiên liệu tăng giáĐưa ra quan điểm của mình, PGS. TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, xăng dầu có 2 nguồn cung, một trong nước và nhập khẩu. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Giá xăng dầu trong nước luôn phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thế giới. Giá thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng, nhưng tăng không đều là do Nhà nước có Quỹ bình ổn. Hiện quỹ gần cạn kiệt, còn khoảng 600 tỷ đồng, bên cạnh đó nhiều DN bán bị âm.
Để điều hành giá xăng dầu có 2 van: Quỹ bình ổn và thuế. Nếu xì van Quỹ bình ổn ra gần hết thì sẽ giảm được giá, riêng thuế xăng dầu thì mỗi một quốc gia chính sách tài chính lại khác nhau. Tại Mỹ và một số quốc gia có giá xăng dầu thấp hơn Việt Nam chủ yếu do chính sách thuế. Hiện thuế của Việt Nam khoảng trên 42% và cõng rất nhiều loại thuế về nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Do đó, trong bối cảnh mà giá xăng dầu tăng tác động rất lớn tới nền kinh tế, nhất là GDP. Đơn cử, tăng 10% giá xăng dầu sẽ làm cho GDP giảm 0,5%, nếu tăng như vậy sẽ làm cho CPI tăng 0,6%.
Vị chuyên gia cho rằng, duy trì Quỹ bình ổn nhưng vẫn phải chi Quỹ để làm sao kiểm soát được theo giá, hoặc ngang bằng thế giới, giải pháp chỉ có giảm thuế. Việt Nam vừa sản xuất dầu thô, vừa chế biến, khi giá xăng dầu tăng được lợi thu về ngân sách. Thời kỳ cao nhất là 25%, rồi giảm 20, 15, 13% và bây giờ khoảng 7 - 8% trong thu ngân sách. Xăng dầu thế giới tăng tuy có lợi cho ngân sách nhưng tác động xấu đến nền kinh tế theo hai hướng trực tiếp và gián tiếp. Đối với các hoạt động trực tiếp là ngành vận tải, đánh bắt cá xa bờ, dùng máy nông nghiệp tiêu thụ xăng dầu... Còn gián tiếp với bất kỳ một sản phẩm sản xuất tiêu dùng đều phải vận chuyển. Nếu giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng tới lạm phát và đặc biệt trong bối cảnh DN lao đao vì dịch Covid-19 lần thứ tư, khi mới tạm thời hồi phục thì chi phí đầu vào cao, nhất là đối với ngành vận tải. Ngành này nguyên liệu đầu vào chiểm 35 - 37%, thứ nữa lúc giãn cách không sử dụng hết công suất cho nên ảnh hưởng rất lớn.
Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, thu nhập của người lao động mất việc làm giảm nay phải khoan sức dân, ai cũng có phương tiện và sử dụng nhiên liệu khi tăng giá xăng dầu chắc chắn tác động rất mạnh đến đời sống mỗi người dân. Do đó, Nhà nước phải có biện pháp, chính sách hợp lý để cân đối cung cầu. Ngoài các công cụ bình ổn giá thì cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm hạ nhiệt mặt hàng này. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp DN giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất. Về phía DN nên sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả năng lượng nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng. Đồng thời, có thể tính toán tìm nguồn cung thay thế nguồn năng lượng này.