Do đó, đòi hỏi Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường quốc tế và chủ động điều chỉnh, bảo đảm ổn định cho thị trường xăng, dầu trong nước.
Áp lực vĩ mô đang chi phối giá dầu thế giới
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), áp lực vĩ mô khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đưa ra tín hiệu tăng lãi suất, đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các nhà giao dịch dầu thô. Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng làm dấy lên lo ngại về bức tranh tiêu thụ, vẫn đang là nguyên nhân chính gây sức ép tới giá.
Ngày 29/6, sự đảo chiều tăng vọt của giá dầu sau cú lao dốc hơn 2 USD ở phiên giao dịch trước đó là bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp bù đắp cho những lo ngại rằng việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Cụ thể, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,86 USD, tương đương 2,8%, lên mức 69,56 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 1,77 USD, tương đương 2,5%, lên mức 74,03 USD/thùng.
Không chỉ giá hai mặt hàng dầu thô đều đang thấp hơn gần 40% so với cùng kỳ năm 2022, mà mức độ biến động của thị trường dầu cũng đã giảm đi rất nhiều. Mặc dù vậy, diễn biến của thị trường dầu thô đã phần nào phản ánh bức tranh tổng quát về bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Xu hướng đi ngang kéo dài trong suốt quý II/2023 của giá dầu chịu ảnh hưởng từ cả hai nhóm yếu tố vĩ mô và yếu tố về cung cầu. Sự trầm lắng của các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới hiện đang tạo một lực cản rất lớn đối với giá dầu.
Các nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương. Tại Trung Quốc, sự phục hồi sau đại dịch vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với kỳ vọng, phản ánh qua việc các hoạt động sản xuất suy yếu và thị trường bất động sản vẫn chưa thể trở mình.
Dự báo về giá dầu thế giới, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh phân tích:
Bước sang quý III/2023, thị trường kỳ vọng nguồn cung thu hẹp hơn do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) cắt giảm thêm sản lượng. Trong khi Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, bước vào mùa di chuyển cao điểm. Giá dầu sẽ có động lực phục hồi, nhưng mức độ biến động sẽ khó có thể mạnh như năm 2022.
Trong giai đoạn đầu tháng 4/2023, có thời điểm giá dầu tăng vọt lên trên 80 USD/thùng do tuyên bố cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+. Tuy nhiên, mức tăng đột biến đã được xóa bỏ hoàn toàn chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Thậm chí, có thời điểm giá dầu thế giới đã rơi xuống mức 68 USD/thùng. Lo ngại tăng trưởng yếu tại các nền kinh tế hàng đầu vẫn đặt ra thách thức lớn đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới.
Trong quý III/2023, ngoài yếu tố nguồn cung thu hẹp, giá dầu cũng sẽ nhận được hỗ trợ do nhu cầu mùa du lịch Hè cao điểm của Mỹ đang đến gần.
Ngoài ra, bức tranh tiêu thụ tại châu Á được kỳ vọng sẽ khởi sắc, cũng sẽ giúp giá dầu phục hồi. Đặc biệt, nhu cầu dầu của Trung Quốc được OPEC dự báo sẽ tăng thêm 800.000 thùng/ngày vào cuối năm, chiếm tới hơn 30% tổng tăng trưởng toàn cầu.
Giá xăng, dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Giá dầu thế giới tăng cao sẽ tác động bất lợi tới thị trường trong nước. Do đó, Chính phủ, cơ quan điều hành cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế, tránh lặp lại hiện tượng đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Hiện nay nguồn dự trữ xăng, dầu quốc gia quá mỏng nên việc dự trữ xăng, dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng DN. Nếu không có dự trữ đủ lớn thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả
(Bộ Tài chính) PGS.TS Ngô Trí Long
Mức tăng trưởng này sẽ được đáp ứng bởi Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới. Nga đang tăng cường cung cấp dầu cho khu vực châu Á, nhằm bù đắp những tổn thất dòng chảy về phía châu Âu. Kế hoạch cắt giảm sản lượng từ phía OPEC+ đã được thực hiện từ tháng 5/2023, nhưng trong bối cảnh hiện tại, mối lo nguồn cung khó có thể khiến giá dầu phục hồi quá mạnh khi dòng chảy dầu thô của Nga tới thị trường châu Á duy trì sự ổn định và có thể bảo đảm cho tăng trưởng cho nhu cầu tiêu thụ của khu vực này.
Chủ động giải pháp ổn định thị trường xăng, dầu trong nước
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 4,97 triệu tấn dầu thô và xuất khẩu 1,22 triệu tấn dầu thô. Đáng chú ý, khối lượng dầu thô nhập khẩu tăng 49,1% so cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị nhập khẩu chỉ tăng 20%.
Hiện Kuwait vẫn là đối tác thương mại dầu thô lớn nhất, khi nước ta nhập khẩu hơn 80% lượng dầu thô từ quốc gia này, tương đương gần 4,1 triệu tấn. Số liệu này phản ánh rằng sự suy yếu của giá dầu góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhập khẩu dầu của Việt Nam.
Bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, trong kỳ điều hành mới nhất vào ngày 21/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên giá xăng không đổi so kỳ điều hành trước. Cụ thể, giá xăng RON 95 ở mức 22.010 đồng/lít, giá xăng RON 92 là 20.870 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá dầu diesel tăng 150 đồng lên 18.170 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 130 đồng/lít, không cao hơn 17.956 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 130 đồng/kg, không cao hơn 14.587 đồng/kg.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu trong nước hiện thấp hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vẫn có không gian cho sự gia tăng của giá dầu thế giới, nhưng mức biến động sẽ không còn quá mạnh như năm ngoái. Giá xăng, dầu trong nước cũng được kỳ vọng sẽ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), các số liệu kinh tế gần đây đều gây thất vọng đối với thị trường, nhưng vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan về sự khởi sắc của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Về mặt dài hạn, giá dầu vẫn còn khả năng tăng cao khi OPEC cho biết thị trường sẽ trở nên thâm hụt vào giai đoạn cuối năm nếu tổ chức này kiên quyết theo đuổi chính sách cắt giảm sản lượng. Bức tranh vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, cán cân cung cầu xăng, dầu dài hạn nhiều biến động khó nắm bắt, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường quốc tế và chủ động điều chỉnh, bảo đảm ổn định cho thị trường xăng, dầu trong nước.
Tại thị trường trong nước, theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự báo nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn trong thời gian từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9 do bảo dưỡng định kỳ.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chủ động có phương án trong mọi tình huống để hoạt động hết công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết ra thị trường.
Đối với các DN đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và phân giao bổ sung để chủ động nhập khẩu trong tháng 7/2023, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy. Đặc biệt, các DN đầu mối nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về dự trữ thương mại bắt buộc; phân phối lợi nhuận trong hệ thống và việc trích lập, quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu theo đúng quy định.