Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Giá xăng tăng lên 22.900 đồng/lít: Không bất ngờ, nhưng nhiều lo lắng

KTĐT - Việc điều chỉnh giá xăng trong nước ngày hôm qua được cho là không bất ngờ nhưng lại khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Tăng để theo kịp thế giới
 

Theo Công văn số  3033 /BTC-VP ngày 7/3/2012 của Bộ Tài chính,  từ 16 giờ ngày 7/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng A92 sẽ tăng 2.100 đồng một lít, lên mức 22.900 đồng/lít. Các mặt hàng dầu hỏa, diesel, mazút cũng tăng giá từ 600 - 2.000 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2012, giá xăng dầu thế giới tăng đã làm giá cơ sở tăng theo. Để giữ bình ổn giá trong nước, Chính phủ đã có nhiều nhiều biện pháp như sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu. Đến nay, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước, nếu không điều chỉnh, DN kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn; Đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia từ 4.313- 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng dẫn tới việc buôn lậu xăng dầu tại các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn như: thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%), Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang âm nhưng Nhà nước vẫn cho phép DN sử dụng Quỹ, sau đó trích bù. Song nếu kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp sẽ khó khăn về vốn. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu. Ông Thỏa cho hay, tổng số tiền giảm thu ngân sách Nhà nước do thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn so với barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.

Canh cánh nỗi lo

Giá xăng tăng khiến người tiêu dùng lo lắng. Ảnh: Thái Hà

Khác với những lần tăng giá xăng trước đây, lần này người dân không hề bất ngờ. Hầu hết trạm xăng lớn nhỏ đều bán với giá mới đúng thời điểm được phép tăng và không có biến động lớn. Nhiều người đến mua tại cửa hàng xăng Nguyễn Lương Bằng cho biết đã nghe báo chí đưa tin dầu thế giới tăng nên ngầm hiểu rằng giá bán lẻ xăng dầu trong nước sớm muộn gì cũng được điều chỉnh tăng.

DN liên tục kêu lỗ, cơ quan quản lý cần kiểm chứng, kiểm toán công khai và có đủ năng lực chuyên môn kiểm tra, giám sát DN, nắm bắt được diễn biến, giá cơ sở của các DN. Nhà nước vẫn cần kiểm soát giá bằng hình thức định giá. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước hiện nay khi Petrolimex còn chiếm đến 60% thị phần thì không thể để DN quyết định giá được.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Tuy không bất ngờ, nhưng tâm lý lo ngại giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu đã bắt đầu xuất hiện. Điều băn khoăn nhất của của người dân là, đằng sau giá xăng dầu tăng cao, hàng loạt các mặt hàng khác cũng "ăn theo". Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong thời điểm mà giá tiêu dùng của nhiều mặt hàng thiết yếu đang ở mức cao cũng có thể tăng gánh nặng cho cơ quan quản lý trong việc kìm chế lạm phát.

Với lần điều chỉnh đầu tiên của năm 2012, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, đặc biệt là xăng A92 đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trước tình hình giá thế giới leo thang mức điều chỉnh này mới chỉ tương đương 12,5% - 41% mức cần điều chỉnh theo Nghị định 84. Nếu tính đủ thuế theo barem thuế, giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng 4.200 - 6.500 đồng một lít.

Chuyên gia Ngô Trí Long khi nhìn nhận về việc tăng giá xăng lần này đã cho rằng, nếu giá thế giới có xu hướng tăng thì rõ ràng Nhà nước không thể kìm mãi giá được mà phải để DN tăng giá, chỉ bình ổn trong điều kiện ngân sách và nền kinh tế có khả năng chịu đựng được. Tuy nhiên, cơ sở để ấn định mức giá tăng là bao nhiêu những yếu tố này cần rõ ràng. Bên cạnh công cụ thuế đã giảm, cơ quan quản lý có thể xem xét giảm bớt các khoản phí trong một thời gian nhất định. Ví dụ, giảm phí xăng từ mức 1.000 đồng/lít hiện nay xuống còn 500 đồng/lít, ngoài ra doanh nghiệp đầu mối và các đại lý cần tiết kiệm tối đa hao hụt, chi phí quản lý, vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh, áp lực tăng giá chắc chắn sẽ giảm một phần.

Về phía Bộ Tài chính, trong công văn thông báo điều chỉnh giá xăng khẳng định, sau lần điều chỉnh giá xăng dầu lần này, các bộ chức năng tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng.

Đã có nhiều cảnh báo rằng lạm phát tháng 1, tháng 2 chưa nói lên điều gì mà phải đến tháng 3, tháng 4 mới rõ. Xăng dầu hiện là mặt hàng "đầu vào" của hàng trăm dịch vụ khác, do đó chi phí đầu vào tăng, giá cả chắc chắn sẽ có những thay đổi nhất định. Nếu không có những giải pháp thực sự kiên quyết, không dự báo đúng thì chỉ số giá sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. 
 
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Anh
 
 
 
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cán bộ trẻ cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình

Cán bộ trẻ cùng tiếng Anh bước vào kỷ nguyên vươn mình

07 May, 02:40 PM

Kinhtedothi - Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ VII được tổ chức nhằm triển khai chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ