Giấc mơ đeo đẳng của người nghệ sĩ nghiệp dư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 12 tuổi, Minh Tuấn phải sống cuộc sống xa quê hương. Và ở không gian giữa biển khơi, trước mặt hướng về Tổ quốc Việt Nam, đã níu Minh Tuấn trở về bằng được, để rồi âm ỉ nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc và cuộc sống Việt.

Âm nhạc khác lạ
 

Minh Tuấn đặt bút viết ca khúc đầu tiên từ năm 17 tuổi, nhưng mãi đến tuổi 30, khi tác phẩm "Tiếng gáy thời gian" nhận được giải Bài hát Việt thì anh mới được giới âm nhạc và công chúng biết đến. Âm nhạc của Minh Tuấn cuốn hút người nghe về tư duy hình ảnh, phong cách mang đặc trưng riêng.

Giấc mơ đeo đẳng của người nghệ sĩ nghiệp dư - Ảnh 1

Minh Tuấn không học bài bản về âm nhạc, nhưng gia tài sáng tác của anh có tới 100 ca khúc ở ba mảng: Trào phúng, trữ tình và xã hội. Dòng nhạc thành công nhất của anh là trào phúng - dòng nhạc hiếm của nhạc Việt. Với góc nhìn hóm hỉnh, có phần "quái" trong "Tiếng gáy thời gian", "Chổi xuân", "Ông già mù", "Chiếc xe đòn", "Gái bán than"..., anh đã thể hiện sự trìu mến, thương cảm với một sự việc, một con người bằng thứ âm nhạc giản dị, bản năng nhưng cũng đầy ma mị. Sau nhiều năm miệt mài theo đuổi âm nhạc, hiện nay, rất nhiều sáng tác của anh được sử dụng làm nhạc phim, đoạt giải chương trình Bài hát Việt và được phổ biến đến đông đảo công chúng.

Nghệ thuật và nỗi lo "cơm áo gạo tiền"

Liveshow "Tiếng gáy thời gian" giới thiệu tác phẩm và giọng hát của Minh Tuấn sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 21/9 tại số 10 Đặng Thai Mai, Hà Nội.

"Nguyễn Tuấn là nhạc sĩ rất mạnh về cảm nhận hình ảnh, anh có thể nhìn những điều thông thường qua nhãn quan rất riêng và chiết xuất khéo léo thành từ ngữ của mình. Nghe nhạc của Nguyễn Tuấn, khán giả sẽ hạnh phúc được chạm vào nhiều cái mới".

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

Hồi còn nhỏ, vì giấc mơ thay đổi cuộc sống của bố mẹ, nên Minh Tuấn phải lếch thếch theo họ sống ở trại tị nạn tại Hồng Kông. Tuy nhiên, hiện thực luôn khắc nghiệt hơn giấc mơ, nên chỉ hơn 1 năm sau, gia đình Minh Tuấn lại xin được trở về Việt Nam. Ngày trở về, được tự do đi lại trong không gian rộng lớn của mảnh đất hình chữ S, cậu bé Minh Tuấn giống như "con chim sổ lồng", đạp xe rong ruổi khắp các con đường; tìm người thầy đã từng dạy anh đàn, hát với một cây đàn guitar mộc mạc; tìm lại những người bạn đồng niên khiếm thị từng say sưa câu hát của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên trong nỗi nhớ quê hương, nhớ bà đến miên man.

Do không đưọc học nhạc chuyên nghiệp, nên cơ hội bước vào con đường chuyên nghiệp của Minh Tuấn không dễ dàng. 16 tuổi, anh đã từng phải rời bỏ giấc mơ được đàn, được hát để bươn bả làm công nhân, thợ mộc, kiếm vài chục ngàn lo một ngày có đủ 3 bữa cơm. Thế nhưng, trong tâm hồn anh niềm trắc ẩn về âm nhạc vẫn cứ thôi thúc, nhắc nhở. Thế nên, trong một lần la cà đến quán cà phê, với bầu không khí tươi trẻ của sinh viên, Minh Tuấn đã mạnh dạn giao lưu, thể hiện tài năng âm nhạc. Vì là nghệ sĩ bản năng, nên âm nhạc của Tuấn đã lôi cuốn và ảnh hưởng đến không ít sinh viên, những khán giả thường xuyên lui tới không gian cà phê sinh viên của Minh Tuấn.

Giấc mơ đeo đẳng của người nghệ sĩ nghiệp dư - Ảnh 2

Trong cuộc đời, không chỉ một lần âm nhạc làm cho Minh Tuấn khổ, không chỉ một lần anh có ý định dứt bỏ nó. Bởi vì, khi anh đã có gia đình, đằng sau anh là vợ và cô con gái, nỗi lo "cơm áo gạo tiền" đã đè nặng. Trong khi, nghệ sĩ nghiệp dư mấy ai nuôi nổi mình. Người vợ hàng đêm kề đầu, ấp má, lấy nhau vì lòng ngưỡng mộ với âm nhạc, trước nỗi khó khăn kinh tế đã quên mất thói quen thường trực nhất: Nghe chồng hát. "Biết mình không lo đủ cuộc sống đầy đủ hơn cho vợ, con nên tôi chấp nhận đơn ly hôn của cô ấy. Tôi vẫn tiếp tục hát, tiếp tục sáng tác, nhưng không thể giấu đi nỗi buồn của người đàn ông không hoàn thành trách nhiệm làm chồng, làm cha", Minh Tuấn tâm sự.

Nghệ thuật luôn luôn khắc nghiệt, nhưng chính sự khắt khe đến khắc nghiệt của Minh Tuấn dành cho nghệ thuật nên anh có được những sản phẩm "made in Tuấn Gà", những sản phẩm không dễ tìm trong thời buổi giá trị giải trí mang tính tiêu khiển "lên ngôi".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần