Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ về một cây cầu nối đôi bờ Đá Giăng của người dân xứ Quảng

CÔNG HUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng chục năm qua, ước mơ cháy bỏng về một cây cầu nối liền đôi bờ sông Đá Giăng của cả người dân lẫn chính quyền xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cũng chỉ là mơ ước. Họ khắc khoải chờ mong từng ngày một cây cầu mới được xây dựng, giao thông thuận tiện, tạo điều kiện để giao lưu, kết nối giữa các địa phương trong vùng, giúp phát triển kinh tế xã nhà.

Hàng chục năm chịu cảnh “gần nhà, xa ngõ”
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về bên kia bờ sông Đá Giăng, nơi bà con hai thôn Danh Sơn, Thuận Yên Tây, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành phải sống trong tình cảnh “gần nhà, xa ngõ” với trung tâm xã hàng chục năm nay. Người dân phải đi con đường vòng hơn 10km, qua cây cầu phía hướng lên xã Tam Trà, rồi trở ngược lại một con đường bê tông, nơi hai chiếc ô tô con lỡ có đối đầu nhau cũng phải chật vật tìm chỗ “né” để nhường nhau, mới đến được trung tâm xã.
Giữa cái nắng chang chang ngày hè, ông Lê Bá Tri (58 tuổi, trú thôn Danh Sơn, xã Tam Sơn) đi xe máy băng qua con nước nhỏ dưới đoạn thắt lòng sông Đá Giăng, chạy theo lối mòn để về nhà. “Vào mùa hè, ở phía đoạn thắt lòng sông Đá Giăng nước cạn nên bà con tranh thủ vượt sông để về nhà cho gần chứ vào mùa mưa là bó tay, hết lối”, ông Lê Bá Tri nói.
Mùa nước cạn, người dân băng qua lòng sông để rút ngắn quãng đường ra trung tâm xã Tam Sơn.
Ông Tri từng công tác ở UBND xã Tam Sơn từ năm 1987 và vừa mới về hưu. Trong khoảng hơn 30 năm làm việc, ông Tri từng có 2 nhiệm kỳ giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã nên rất hiểu nỗi khổ và mong ước của người dân về một cây cầu nối đôi bờ Đá Giăng. Lúc còn đương chức, trong số các kiến nghị của ông để thúc đẩy an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã nhà, cây cầu Đá Giăng luôn được ông nhắc nhiều nhất.
“Với vai trò là người đại diện của cho bà con xã Tam Sơn và cũng là người con của vùng quê Danh Sơn nên hơn ai hết tôi hiểu rõ niềm tha thiết của người dân nơi đây về cây cầu Đá Giăng, kết nối đôi bờ. Một khi cây cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của xã Tam Sơn. Người dân không còn phải sống trong tình cảnh “gần nhà, xa ngõ” với trung tâm xã nữa”, ông Tri chia sẻ.
Người dân men theo con đường mòn dưới lòng sông để qua bên này bờ. 
Cảnh mọi người băng qua con nước dưới lòng sông vào mùa nắng cùng nỗi lo sợ mỗi lần vào mùa mưa lũ, nước dâng cao đe dọa đến cuộc sống cứ dày lên theo năm tháng của mỗi người dân nơi đây. Đáng thương nhất có lẽ là lũ trẻ con ở 2 thôn Danh Sơn và Thuận Yên Tây. Sau khi học xong cấp 1, đường đến trường của những đứa trẻ ở hai thôn này lại xa thêm một chặng. Mỗi ngày 2 lượt đi và về gần 20km, những đứa trẻ này lặn lội ngược dòng Đá Giăng để đến trung tâm xã tìm con chữ.
Đường xa, người dân đi khám chữa bệnh ở trạm xá, hay có việc cần lên xã giải quyết giấy tờ, thường mất đứt một buổi...
Giấc mơ về một cây cầu
Nhiều người dân ở hai thôn Danh Sơn và Thuận Yên Tây khi được hỏi về mong ước xây dựng cầu Đá Giăng đều than thở về việc đã phải chờ quá lâu. Một người dân cho hay: “Mấy năm về trước, tôi có nghe tin các cấp chính quyền đã về khảo sát xây cầu. Tôi và mọi người mừng lắm. Thế nhưng rồi mùa mưa này tới mùa mưa khác, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì”.
Ông Trần Công Hiệu - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết, không những người dân mong muốn có một cây cầu nối liền đôi bờ Đá Giăng mà ngay cả chính quyền địa phương cũng vậy. Đây là nỗi trăn trở lớn nhất, một nút thắt từ rất lâu tạo thành trở lực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Người dân xã Tam Sơn, đặc là ở hai thôn Danh Sơn và Thuận Yên Tây, mong ngóng từng ngày cây cầu được xây dựng, nối liền đôi bờ Đá Giăng.
“Năm 2010, đã có nghiên cứu dự án làm cầu song do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nguồn vốn không đảm bảo, việc triển khai dự án phải dừng lại. Bên cạnh đó, việc lòng hồ chia cắt địa bàn xã thành hai phần khiến người dân đi lại khó khăn, cách trở, nhất là vào mùa mưa lũ. Hệ thống các con đường giáp ranh giữa xã Tam Sơn và Tam Lãnh (Phú Ninh) và Tiên Lập (Tiên Phước) nhỏ, hẹp vì bị chia cắt dòng hồ Phú Ninh kéo theo rất nhiều hệ lụy, tạo thành trở lực cho phát triển kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần song vì kinh phí tương đối lớn nên không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Cây cầu sẽ là lời giải cho tất cả những vấn đề đó”, ông Hiệu nói.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết thêm, việc cây cầu Đá Giăng buộc phải tạm dừng vì thiếu vốn đầu tư đã dẫn đến việc kết nối giao thông giữa các vùng trên địa bàn huyện và huyện lân cận không đảm bảo, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội, giao thông đi lại, nhất là trong mùa lũ.
“Lãnh đạo huyện nhận thấy việc đầu tư xây dựng công trình cầu Đá Giăng là hết sức cần thiết. Công trình sau khi được xây dựng sẽ tạo thêm một tuyến liên kết vùng kết nối đông tây ở khu vực phía nam của tỉnh. Huyện đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để đầu tư công trình cầu Đá Giăng trên tuyến ĐH8 tại xã Tam Sơn”, ông Sinh nói.