Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ xe sang giá rẻ còn xa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, năm 2029, xe ô tô siêu sang nhập về Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Điều này khiến nhiều khách hàng thêm hy vọng sở hữu các dòng ô tô hạng sang khi lộ trình giảm thuế nhập khẩu được thực hiện.

Giấc mơ xe sang giá rẻ còn xa - Ảnh 1

Một cửa hàng bán ô tô nhập khẩu tại Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng

Chờ 9 - 10 năm nữa
EVFTA có hiệu lực khoảng tháng 7/2020. Lộ trình sau 9 năm, giá nhập khẩu ô tô từ EU, trong đó có nước Anh về Việt Nam sẽ giảm mạnh. Theo các cam kết, thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc (dung tích trên 3.000cm3 cho động cơ xăng và trên 2.500cm3 cho động cơ diesel) sẽ về 0% sau 9 năm hiệp định có hiệu lực (khoảng năm 2029). Với các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu sẽ về 0% sau 10 năm. Đối với mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô tối đa 7 năm.
Xu hướng chuyển dịch từ xe bình dân lên xe sang hạng trung?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, cả nước nhập 1.475 xe, tổng kim ngạch hơn 90 triệu USD. Hai thương hiệu mạnh, chiếm phần lớn thị phần xe sang tại Việt Nam đến từ Đức là BMW do Thaco quản lý thương hiệu và phân phối sản phẩm; Mercedes do Mercedes Benz-Việt Nam sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Tiếp đến là các hãng xe Audi, Porches, Volkswagen... Một số dòng xe khác đến từ thị trường EU cũng được người Việt Nam ưa chuộng là: Peugeot, Bugatti (Pháp); Ferrari, Fiat (Ý).
Những năm gần đây, tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ xe bình dân lên xe sang hạng trung khi phân khúc này có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Những mẫu xe thương hiệu Đức có giá bán từ 1,5 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng được người tiêu dùng mua ngày càng nhiều. Các mẫu xe GLC, C-Class, E-Class của Mercedes Benz Việt Nam, A4, Q5 của Audi... thu hút khá nhiều khách hàng.
Hiện nay, người tiêu dùng Việt phải chịu đến 3 khoản thuế khi mua xe nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, thuế nhập khẩu ở mức 70 - 80%, thuế tiêu thụ đặc biệt phụ thuộc vào dung tích xy-lanh động cơ bằng 35 - 150% giá xe ban đầu cộng thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng là 10% giá xe sau khi đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, khi về đến Việt Nam, một chiếc xe nhập từ châu Âu bị đội giá lên gấp 2 - 3 lần so với giá xuất xưởng.
Nhiều người dự đoán, khoảng 9 - 10 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, ngoài việc giảm được 70 - 80% giá trị của thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đánh trên ô tô cũng giảm đi. Đơn cử, chiếc Mercedes-Benz GLC 300 4Matic 2020 được nhập khẩu từ Đức đang được phân phối với giá 2,56 tỷ đồng. Nếu xóa bỏ được 70% thuế nhập khẩu, mức giá của mẫu SUV này chỉ khoảng 1,4 - 1,5 tỷ đồng, tiết kiệm cho khách hàng hơn 1 tỷ đồng.
Cạnh tranh khốc liệt, tăng cơ hội sở hữu xe sang
Theo các chuyên gia, với các FTA đã ký, khoảng năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU. Vậy, xe ô tô sản xuất trong nước phải cạnh tranh với dòng xe nhập khẩu đến từ EU như thế nào?
Điều kiện để ô tô từ EU được hưởng ưu đãi thuế 0%, theo quy định của EVFTA là xe từ EU phải có tỷ lệ nội địa hóa 55%. Đây là điều kiện không có gì khó khăn bởi trên thực tế, hầu hết các quốc gia sản xuất ô tô tại EU đều có tỷ lệ nội địa hóa rất cao và đều là những nước sản xuất được xe mang thương hiệu riêng cho quốc gia.
Hiện, ô tô có dung tích dưới 3.0L nhập khẩu từ khu vực EU thực hiện theo quy chế tối huệ quốc (MFN) với mức thuế là 74% và ô tô có dung tích trên 3.0L là 78%. Như vậy, đến khoảng năm 2028 hoặc 2030 trở đi, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam sẽ xuống mức 0% - một mức giảm được tính toán là sẽ tác động mạnh đến giá xe nhập khẩu từ khu vực này.
Còn với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, thực tế, hiện nay, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mới đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân khoảng 7 - 10%. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam kém xa (trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%). Ở góc độ sản xuất, thuế nhập khẩu cho các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô ở mức từ 5 - 20% tùy thuộc vào bộ linh kiện.
Bên cạnh đó, DN chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp dụng từ 35 - 150% tùy thuộc dung tích động cơ, bên cạnh VAT 10%. Các chi phí cho mạng lưới đại lý, kênh phân phối dao động 10 - 20%. Tất cả loại thuế và phí này đều được DN tính vào giá thành xe ô tô, khiến cho giá bán xe trong nước cao hơn nhiều so với xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Do đó, để xe Việt Nam đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu cần phải có một số ưu đãi với ô tô sản xuất trong nước về thuế suất nhập khẩu linh kiện, tăng tỷ lệ nội địa hóa… Đồng thời, xe sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.