Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán đầu ra cho chất thải rắn

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn xây dựng, TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, ứng dụng công nghệ nghiền vào tái chế, biến chất thải thành vật liệu có ích.

Bước đầu công nghệ này đã cho thấy kết quả khả quan trong quá trình thử nghiệm.

Phù hợp với điều kiện của Hà Nội

Triển khai các nội dung quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng về quản lý chất thải rắn xây dựng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương, ban quản lý dự án của TP và các chủ đầu tư thực hiện quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng bằng công nghệ nghiền theo phương án xã hội hóa.

Sau khi có chủ trương, các DN đã nhập dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng từ Đức và Áo. Máy nghiền RM70GO và RM 100GO có tính di động cao, công suất từ 80 - 120 tấn/giờ (70GO) và 250 tấn/giờ (100GO). Máy có thể nghiền chất thải rắn xây dựng có kích thước lên tới 60cm và sản phẩm sau nghiền kích thước từ 1 - 5cm có thể tái chế làm vật liệu cốt san nền ngay tại dự án xây dựng và tại các dự án giao thông chịu nén tải thấp (như nền vỉa hè). Hoặc có thể sử dụng làm cốt liệu để trộn bê tông mác nhỏ hơn M200, sản xuất gạch không nung…

Địa điểm tái chế nghiền phế thải xây dựng tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

Ông Đặng Tiến Thành - Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng & đầu tư phát triển môi trường Hà Nội - đơn vị vận hành máy nghiền RM70GO cho biết, công nghệ này rất phù hợp với điều kiện của Hà Nội. Ngoài việc đặt tại các khu xử lý, còn có thể đặt ngay tại chân công trình trong khu đô thị, khu dân cư để giảm chi phí vận chuyển phế thải, giảm diện tích đất chứa các phế thải xây dựng cồng kềnh khi phá dỡ. Đồng thời các tiêu chuẩn về môi trường như tiếng ồn, bụi khí thải… đều đảm bảo theo tiêu chuẩn châu Âu.

Cần đảm bảo đủ nguồn để xử lý

Hiện TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương lựa chọn 4 vị trí cửa ngõ để làm địa điểm trung chuyển, lắp đặt dây chuyền tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền. Cụ thể, bãi tại chân cầu Thanh Trì, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, có diện tích 2,5ha; Khu xử lý phế thải xây dựng Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, diện tích 4,7ha; Bãi tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, diện tích 7ha; Bãi tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 24ha. Trong đó 2/4 địa điểm đã đi vào hoạt động từ ngày 30/11, bắt đầu tiếp nhận chất thải rắn xây dựng từ các dự án mở rộng các tuyến đường vành đai 2; 2,5; 3 để xử lý. Các địa điểm còn lại đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, giao đất để thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết, để đảm bảo đủ nguồn cung cho các dây chuyền xử lý theo công nghệ nghiền hoạt động hết công suất, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Ban quản lý dự án của TP và các chủ đầu tư có công trình phá dỡ trên địa bàn các quận khẩn trương liên hệ với các đơn vị có công nghệ, địa điểm để chuyển tái chế trước mắt về vị trí tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai; vị trí tập kết Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì để tập kết xử lý. Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ cao tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh…

Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi giải pháp xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền trong thời gian tới, quan trọng nhất, là các quận, huyện cần tăng cường quản lý đối với chủ đầu tư công trình xây dựng, chủ nguồn thải, chủ thu gom vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt, các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng cần nhanh chóng cung cấp thông tin về năng lực cho Sở Xây dựng để quản lý, công bố trên website. “Do chưa có chế tài bắt buộc nên nhiều chủ nguồn thải, chủ thu gom vận chuyển hiện vẫn chưa thực hiện đưa phế thải xây dựng về khu xử lý nghiền. Nạn đổ trộm phế thải xây dựng vẫn đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong nghiên cứu báo cáo của đoàn tư vấn JET (JICA - Nhật Bản) về nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã phân tích, đề xuất việc sử dụng công nghệ nghiền bê tông, chạt vữa xây dựng, tái sử dụng tạo vật liệu san lấp và sản xuất gạch không nung. Đây cũng là hướng đi cơ bản của các nước trên thế giới đối với xử lý chất thải rắn xây dựng.