Giải bài toán giảm thiểu thất nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Người lao động (NLĐ) ở thành thị thất nghiệp nhiều hơn so với vùng nông thôn.

Để giải bài toán này, TP Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, đào tạo nghề miễn phí, thậm chí đến tận các trường để tư vấn hướng nghiệp.
Phiên giao dịch việc làm: Kéo người lao động đến gần DN
Những lao động vùng nông thôn thường làm công việc đồng áng. Mỗi năm, ngoài hai vụ chính người ta trồng đan xen hoa màu và làm nghề truyền thống như đan nón, khảm trai, sơn mài… Trong khi đó, ở thành thị, học sinh học xong cấp 1 thì lên cấp 2, rồi đến cấp 3. Tốt nghiệp THPT, đa số các em đi học cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH), chỉ những bạn có năng lực yếu mới phải đi học trung cấp và trung cấp nghề. Vì mong muốn duy nhất được vào trường ĐH, nên nhiều em bỏ qua yếu tố chọn nghề phù hợp với sở thích và nhu cầu thị trường, dẫn đến ra trường không tìm được việc làm. Có những bạn chấp nhận làm việc trái ngành, nhưng không thật sự toàn tâm toàn ý, vẫn cho rằng mình đang bị thất nghiệp. Bản tin thị trường lao động của Bộ LĐTB&XH mấy quý gần đây đều chỉ ra thanh niên thành thị thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn vùng nông thôn. Ngay bản thân những người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm việc cũng chủ yếu rơi vào đối tượng mới tốt nghiệp CĐ, ĐH, học những ngành nghề xã hội không có nhu cầu nhân lực. Thêm vào đó, các bạn lại không có kinh nghiệm làm việc nên rất khó tìm được việc cho mình.

Người lao động tìm hiểu thông báo tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Giảm tải số người bị thất nghiệp là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành LĐTB&XH. Dưới sự chỉ đạo của Sở LĐTB&XH TP, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm số 2 Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giảm thiểu tình trạng thất nghiệp cho NLĐ Thủ đô và ngoại tỉnh. Bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Trong năm 2016, Trung tâm tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm định kỳ; 8 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện; 4 phiên lao động việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; 2 phiên việc làm dành cho những người đi xuất khẩu lao động từ Hàn Quốc trở về. Đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi có kế hoạch tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm cho lao động bảo hiểm thất nghiệp”.
Đối với những phiên giao dịch việc làm định kỳ được tổ chức vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, các DN tham gia thường có chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng giúp cho NLĐ có cơ hội tìm được việc làm miễn phí. Đây là thị trường lao động hết sức minh bạch, không qua trung gian, cò mồi nên NLĐ có thể gặp gỡ DN tuyển dụng phỏng vấn và biết ngay kết quả. Nếu không được nhận vào làm việc, NLĐ cũng biết được lý do vì sao để rút kinh nghiệm cũng như bồi dưỡng những kỹ năng còn thiếu.
Với những NLĐ đã có việc làm, nhưng bị thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức những phiên giao dịch dành riêng cho họ ngay tại địa phương, điển hình là các phiên giao dịch đã được mở tại huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và quận Long Biên. Các DN tuyển dụng cũng đóng ngay trên địa bàn, nên không chỉ giúp họ sớm có cơ hội quay trở lại với công việc, mà còn được làm gần nhà giảm bớt chi phí đi lại.
Điểm giao dịch vệ tinh - cánh tay nối dài
Những NLĐ đã có việc làm, rồi lại bị mất, ngoài được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, còn được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. Đây là cách giúp NLĐ chuyển đổi nghề nếu có nhu cầu. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang đào tạo rất nhiều nghề để NLĐ lựa chọn như: Chế biến món ăn, may công nghiệp, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy... Đặc biệt, để NLĐ ở các quận, huyện không phải đi quãng đường xa để giao dịch tìm việc, trong năm nay, 2 trung tâm đã thành lập 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại quận Long Biên, Nam Từ Liêm, huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn… “Những điểm giao dịch vệ tinh tạo điều kiện cho NLĐ tìm được việc làm thuận lợi hơn. Các điểm này, sau khi đi vào hoạt động chúng tôi vẫn tiếp tục kết nối lao động với DN hàng ngày, chứ không chỉ thứ 3, 5 hàng tuần. Đương nhiên, các ngày thứ 3, 5, chúng tôi sẽ mở cuộc phỏng vấn online, để DN từ sàn chính có thể tuyển NLĐ tại các điểm vệ tinh. Hoặc từ các điểm giao dịch việc làm vệ tinh, NLĐ trả lời DN tại sàn chính” - bà Vũ Thị Thanh Liễu thông tin.
Tuy nhiên, địa phương nào muốn có điểm giao dịch việc làm vệ tinh, thì thị trường lao động nơi ấy phải phát triển, nguồn nhân lực đông, giúp cho việc kết nối lao động với DN thuận tiện. Ngoài ra, ở đó còn có những khu công nghiệp phát triển. Theo bà Liễu, năm nay TP mới thí điểm mô hình này, bước đầu thực hiện ở Nam Từ Liêm, Long Biên và Gia Lâm đã cho kết quả rất tốt. NLĐ và DN đến các điểm vệ tinh rất phấn khởi vì không phải đi xa. Việc DN tại địa phương tuyển dụng lao động sống tại địa bàn giúp năng suất công việc tăng lên cũng như tránh được việc đi muộn về sớm.
Tư vấn chọn nghề từ trường phổ thông
Ngoài hỗ trợ NLĐ tìm được việc làm sau khi bị mất việc, ngay từ đầu các Trung tâm thường xuyên tổ chức những lớp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông và ĐH có nhu cầu. Các em sẽ được cung cấp thông tin thị trường lao động từ sớm để có định hướng ngành nghề, tránh tình trạng chọn nhầm, học xong khó tìm được việc.
Hiện nay, mặc dù nhiều phụ huynh và học sinh thay đổi quan niệm học ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời. Tuy nhiên, đại đa số các gia đình vẫn muốn con học ĐH vì "được tiếng" và học càng cao thì cơ hội phát triển sự nghiệp sẽ tốt hơn. Sẽ là rất tốt nếu trong quá trình học các bạn chăm chỉ, cố gắng nắm bắt những kiến thức cơ bản về chuyên môn và bổ sung những kỹ năng mềm xã hội đang cần. Để rồi, khi tốt nghiệp các em sẽ bắt tay ngay được vào công việc, tránh thời gian bỡ ngỡ ban đầu phải được bồi dưỡng.
Khi số người thất nghiệp vẫn gia tăng, những em tốt nghiệp trường nghề không nhất thiết phải chọn công ty lớn, có thương hiệu. Có thể, lúc đầu làm cho công ty quy mô nhỏ, sau quá trình tích lũy được kinh nghiệm, nếu thấy mình có khả năng phát triển thì chuyển sang DN khác có thương hiệu. Còn không, lãnh đạo công ty thấy bạn làm được việc, họ sẽ tạo cơ hội để thăng tiến. Nếu ai cũng muốn vào công ty lớn thì làm sao có thể tuyển dụng hết nguồn nhân lực vốn đang quá dư thừa.
Trong thời gian tới, nếu thấy hiệu quả tốt mà thị trường lao động ở các quận, huyện khác cũng có những yếu tố tương tự, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các điểm giao dịch việc làm vệ tinh.
Vũ Thị Thanh - Liễu Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Ở bậc THPT, ngoài kế hoạch học văn hóa, lý thuyết, nên có chương trình lồng ghép để định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho các em trước khi các em quyết định chọn trường trung cấp, CĐ hay ĐH. Nếu các em có trình độ và khả năng thi vào ĐH thì đăng ký, còn học lực kém nên chọn học nghề để nhanh ra trường đi làm nuôi sống bản thân và giúp đỡ bố mẹ.

NLĐ tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để được tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm ngày càng đông. Trong quý I và quý II/2016, số NLĐ được giới thiệu việc làm là hơn 18.000 người. Trong đó, 2.584 người được giải quyết việc làm, tăng 63,33% so với 6 tháng đầu năm 2015.

 
Người lao động tìm hiểu thông báo tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.   Ảnh: Phạm Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần