Giải bài toán hài hòa các lợi ích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế quản lý phí và lệ phí (P&LP) thời gian qua cho thấy còn nhiều bất cập trong cả quy định, cách hiểu và cách triển khai Pháp lệnh P&LP.

Nổi bật là: Chưa minh bạch nội hàm và cơ chế quản lý P&LP; chưa khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, trong khi dẫn tới sự mập mờ trách nhiệm, nhiều tiêu cực…

Theo Kết luận số 63/2013/KL-TƯ của Bộ Chính trị về: “Một số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”, cải cách dịch vụ công nước ta được triển khai theo hướng xây dựng giá dịch vụ công với 3 mức: Giá tính đủ lương; giá tính đủ lương và chi phí quản lý; giá tính đủ lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Khuyến khích đầu tư hợp tác công - tư (PPP) theo hình thức Nhà nước xây dựng và cho DN thuê lại cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ công với giá tính đủ để duy tu, bảo dưỡng; thực hiện mua - đặt hàng dịch vụ công; khuyến khích xã hội hóa, nhất là của các trường đại học, bệnh viện và một số cơ sở dạy nghề…

Cân nhắc những tác động

Chuyển từ cơ chế P&LP sang giá dịch vụ là một điểm mới có tác động 2 chiều và đòi hỏi sự hài hòa lợi ích các bên có liên quan: Một mặt, việc này phù hợp định hướng cải cách cơ chế quản lý dịch vụ công và hoàn thiện cơ chế quản lý giá thị trường theo lộ trình và tinh thần từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí để bảo đảm đưa giá các dịch vụ công; tăng cường quyền tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động, thúc đẩy xã hội hóa và khuyến khích đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cạnh tranh thị trường và sự lựa chọn cho người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ công cả về kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ…

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, do trong phí còn có phần phúc lợi trích ra từ ngân sách nhằm hỗ trợ người dân và đối tượng chính sách xã hội, nên việc chuyển P&LP sang cơ chế giá dịch vụ sẽ khiến giá dịch vụ cao hơn phí. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều dịch vụ công thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn so với thu nhập của người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng ven thành thị, nông thôn hoặc miền núi, đặc biệt là về dịch vụ y tế và giáo dục - 2 lĩnh vực công liên quan trực tiếp tới chính sách an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, giá dịch vụ y tế hiện nay mới được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, gồm chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Theo lộ trình, đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Khi đó, viện phí có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Hơn nữa, áp lực tăng doanh thu từ viện phí có thể tạo sức ép lên bác sĩ và nhà quản lý cơ sở dịch vụ y tế. Trong khi đó, giá dịch vụ đào tạo và học tập nếu thiếu lộ trình, quy chuẩn chất lượng và sự kiểm soát chặt chẽ… có thể làm gia tăng tình trạng thương mại hóa trường học, làm gia tăng áp lực giảm nghèo đa chiều và phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết hướng tới…

Giảm thiểu tác động - cách nào?

Để giảm thiểu tác động mặt trái của chuyển P&LP thành giá dịch vụ, cần coi trọng “bàn tay” chỉ đạo của Nhà nước, bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích, tránh gây “sốc”; hài hòa giữa yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện cơ chế hạch toán thị trường, với yêu cầu bảo đảm an sinh, công bằng và đồng thuận xã hội cao, vì lợi ích cộng đồng và lâu dài trong phát triển các dịch vụ công. Hơn nữa, việc chuyển các khoản phí này cũng cần được phân thành 2 loại là DN tự định giá, kê khai giá và Nhà nước định giá. Quản lý Nhà nước trong bối cảnh chuyển P&LP thành giá dịch vụ cũng cần được đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng: Tăng cường quy chuẩn hóa chất lượng dịch vụ công; minh bạch thông tin; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ một số đối tượng chính sách trong tiếp cận và thụ hưởng một số dịch vụ công thiết yếu, bảo đảm an sinh xã bội. Bên cạnh đó, cần phân định rõ thẩm quyền và nâng cao trách nhiệm, tránh phát sinh việc lạm dụng, đổ gánh nặng chi phí lên đầu người dân và DN.

Đặc biệt, khi đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, thì nên sử dụng chung một khái niệm lệ phí và bỏ khái niệm phí nhằm tránh sự mù mờ và dễ bị lạm dụng như thời gian qua, cũng như phân biệt các khoản thu lệ phí bắt buộc theo luật, với các khoản đóng góp tự nguyện ngoài quy định Nhà nước ở địa phương…
Quán triệt tinh thần này, trong Dự thảo Luật P&LP đang được được hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua, sẽ bãi bỏ 18 khoản P&LP; còn 19 khoản P&LP khác (như học phí, viện phí, lệ phí công chứng, phí vệ sinh, phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phí đấu thầu, phí kiểm định đo lường chất lượng, phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ, phí bến bãi, phí sử dụng cảng, nhà ga...) sẽ được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ...