Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán phân loại rác tại nguồn

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức phạt lên tới 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành, chính thức có hiệu lực từ 24/11/2018, cho thấy sự quyết tâm trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường của TP này. Thế nhưng, hiệu quả việc triển khai đến đâu lại là câu chuyện không đơn giản.

Được biết, TP Hồ Chí Minh đã phân loại rác tại nguồn ở 24 quận, huyện trên địa bàn TP từ tháng 6/2017. Cùng với đó, lãnh đạo Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh kỳ vọng, chương trình nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải trên địa bàn. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra. Song đến nay, đã một năm rưỡi trôi qua, nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa biết phân loại rác, không ít địa phương vẫn chưa thực hiện phân loại rác trong dân. Trong khi đó, phương tiện thu gom nhìn chung vẫn còn thô sơ, chưa được thiết kế có vách ngăn để chứa các loại rác khác nhau, chưa kể không ít người dân vẫn giữ thói quen cho tất cả rác vào một bao.

Nay, khi người dân còn chưa biết phân loại rác tại nguồn mà mức phạt được áp dụng lên tới 20 triệu đồng (thực hiện theo quy định Khoản 4, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP), nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức phạt quá cao và khó khả thi. Bởi lẽ, để đạt được mục tiêu tốt đẹp của phân loại rác thì cần phải tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn tận tình của cán bộ, nhân viên môi trường để người dân biết phân loại rác là gì, mục đích ý nghĩa của nó, cách thức phân loại thế nào…Từ sự hiểu đó, mới khơi dậy được ý thức về môi trường trong cộng đồng cư dân. Tiếp sau mới thực hiện tuyên truyền nhắc nhở trong 1,2,3 lần đầu vi phạm, nếu người dân vẫn tái phạm thì mới phải áp dụng biện pháp chế tài.

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, TP Hà Nội với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn bằng dự án 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng). Hiệu quả của dự án này được đánh giá là tác động tích cực tới môi trường: Giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp. Thế nhưng sau khi kết thúc dự án thì việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng dần bị lãng quên do thiếu kinh phí, thiếu đồng bộ trong các khâu từ nhân công, trang thiết bị… Tương tự, tại một số địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn bằng dự án 3R cũng rơi vào tình trạng “chết yểu”, không một nơi nào duy trì và phát huy được hiệu quả của dự án. Sự thất bại này được nhận định là do thiếu tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ.

Vì vậy, để giải bài toán phân loại rác tại nguồn, chuyên gia môi trường cho rằng, trước hết cần triển khai đồng loạt, không nên làm thí điểm, vì bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên, bằng việc triển khai hiệu quả chính sách để phát triển bền vững, chứ không phải thực hiện theo phong trào, hết phong trào là lịm tắt, sau đó lại áp chế tài mà người dân vẫn không thông.