Thiếu lao động có kỹ năngTheo báo cáo của Sở Công Thương, trong năm 2016, các làng nghề Hà Nội đã tạo việc làm cho gần 800.000 lao động, giá trị sản xuất đạt gần 14.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động ở làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm; ở một số làng nghề phát triển, thu nhập người lao động có thể lên đến 50 - 60 triệu đồng/người/năm...
Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề đang đứng trước rất nhiều khó khăn, trong đó thiếu nguồn lao động đạt chuẩn đang là một rào cản lớn cho sự phát triển. Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) là một ví dụ. Dù đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển trở lại sau thời kỳ suy thoái, nhưng một vấn đề mới đặt ra là việc thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
|
Sản xuất hàng thủ công tại Công ty Gốm Chu Đậu. Ảnh: Hoài Nam |
Theo ông Đỗ Hùng Chiêu - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái, suy thoái kinh tế thế giới nói chung đã dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm sơn mài Hạ Thái bị thu hẹp. Nhiều cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng, thu nhập người lao động bấp bênh đã dẫn đến sự dịch chuyển mạnh mẽ trong lực lượng lao động làng nghề, nhiều lao động thoát ly, chuyển sang nghề khác. Chính vì vậy, hiện nay dù có đến 60 - 70% lao động trong xã có làm nghề sơn mài, nhưng đa phần là lao động thời vụ, không có trình độ, kỹ năng. Còn đội ngũ chủ cơ sở sản xuất hầu hết chỉ giỏi nghề chứ việc quản trị DN cũng như quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường rất hạn chế.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Điều này không chỉ dẫn đến khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mà còn đặt các làng nghề trước nguy cơ mai một nghề do thiếu lớp người kế cận. Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay không có thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, dẫn đến sản phẩm không đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh.
Năm 2017 đào tạo nghề cho 30.000 lao độngÔng Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, trước thực trạng trên, TP Hà Nội đã xác định hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hiệp hội ngành nghề tổ chức 40 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 học viên tại 40 thôn, xã. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức cho 1.500 chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia 15 lớp tập huấn khởi sự DN, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị DN, kinh doanh và marketing…
Theo ông Chiêu, việc TP hỗ trợ mở các lớp truyền cấy nghề tại các làng nghề có ý nghĩa vô cùng lớn: “Các chương trình đào tạo nghề tạo cơ hội cho những nghệ nhân của làng truyền lại nghề, chia sẻ cho giới trẻ những kinh nghiệm, thủ pháp làm nghề mà trong quá trình lao động họ tích lũy được. Điều này được người lao động rất hưởng ứng, vì trước đây họ chỉ nhận việc gia công cho các cơ sở sản xuất mà không có điều kiện nâng cao tay nghề”.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong năm 2017, hoạt động đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề tiếp tục được TP quan tâm. Ngày 5/4, UBND TP đã ban hành Kế hoạch khuyến công TP Hà Nội năm 2017 số 83/KH-UBND. Trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công, TP dự kiến sẽ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 1.400 lao động; tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho 1.500 chủ DN và cơ sở sản xuất làng nghề; hỗ trợ 350 cơ sở, DN tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài nước. Đồng thời, TP cũng sẽ huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở sản xuất và DN làng nghề…