Hơn 100 cá thể rùa được phát hiện tàng trữ trái phép trong vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: ENV. |
Theo ENV, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 1.744 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD. Theo đó, buôn bán và quảng cáo ĐVHD lên đến 687 vụ; 425 vụ việc còn lại liên quan đến tàng trữ trái phép ĐVHD.
Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và sự tham gia tích cực của cộng đồng, 515 cá thể ĐVHD còn sống đã được cơ quan chức năng tại 27 địa phương tịch thu, cứu hộ sau khi tiếp nhận thông tin vi phạm qua đường dây nóng của ENV. Số động vật này bao gồm: Gấu ngựa, vượn, voọc, cu li, tê tê, khỉ, nhiều loại rùa cạn, rùa nước ngọt, cá mập và nhiều các loài ĐVHD khác.
Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV tiếp nhận trung bình 8 cuộc gọi do người dân thông báo vi phạm về ĐVHD mỗi ngày qua đường dây nóng 1800-1522. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, ENV đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng có liên quan để chuyển giao thông tin vi phạm và theo dõi, cập nhật kết quả xử lý cuối cùng. Với các đối tượng vi phạm có hành vi quảng cáo hoặc rao bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, ENV phối hợp và hỗ trợ cơ quan chức năng để bắt giữ, xử lý những đối tượng này cũng như tịch thu tang vật vi phạm.
Một số vụ việc vi phạm điển hình từ đầu năm 2020 được ghi nhận như: Ngày 12/5/2020, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã thu giữ 1 cá thể diều đầu nâu bị nuôi nhốt trái phép tại nhà dân. Cá thể chim săn mồi này sau đó được chuyển đến Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội.
Ngày 22/5/2020, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp với Công an Phường 9 đã tịch thu 32 cá thể rùa răng và rùa ba-gờ, đang được một đối tượng vận chuyển bằng xe máy. Đối tượng sau đó đã bị phạt hành chính 42,5 triệu đồng, các cá thể rùa được thả về Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Ngày 17/6/2020, Công an thị xã Phú Thọ đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng chuyên buôn bán và cung cấp ĐVHD qua Internet, thu giữ 200g vảy tê tê Java và tê tê vàng. Đối tượng đã rao bán vảy tê tê trên facebook với giá 800.000 đồng/100g…