Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ngày 7/4 cho biết, trong tháng 3/2021, đơn vị này liên tục nhận được thông tin qua đường dây nóng về các vụ vi phạm liên quan tới nuôi nhốt trái phép khỉ, rùa, chim săn mồi… Chỉ trong một tháng vừa qua, 21 cá thể khỉ đã được cơ quan chức năng cứu hộ khi chúng đang bị nuôi nhốt làm thú cảnh tại nhà riêng, chùa và các nhà hàng.
Tính chung trong tháng 3, ENV ghi nhận số lượng lớn các thể động vật hoang dã được cứu hộ. Trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như: Khỉ (21 cá thể), rùa (9 cá thể), cự đà (4 cá thể), rái cá (4 cá thể), tê tê (2 cá thể), cùng một số loài khác như: Kỳ đà, trăn miến điện, chim săn mồi, vượn, cu li, mèo rừng.
Đáng chú ý, công tác xử lý các đối tượng vi phạm về động vật hoang dã đã được tăng cường. Một số vụ án điển hình đã được xét xử trong tháng 3/2021 có thể kể tới là: Ngày 18/3, Tòa án nhân dân TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tuyên án phạt đối tượng Hoàng Minh Triển (sinh năm 1961) 10 năm tù giam cho hành vi nuôi, nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm.
Hay trước đó vào ngày 11/3, Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đã tuyên án đối tượng Nguyễn Đình Sỹ (sinh năm 1972) 5 năm tù giam cho hành vi vi phạm bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Trước đó, đối tượng bị bắt giữ khi đang vận chuyển 6 cá thể tê tê từ Hà Tĩnh đi Nghệ An tiêu thụ, khai số động vật trên được mua lại với giá 30 triệu đồng.
Đại diện ENV cho biết, việc liên tục ghi nhận các bản án cứng rắn đang cho thấy những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý thành công các đối tượng vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Ngoài ra, người dân có thể hỗ trợ bằng cách thông báo các hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã tới cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã miễn phí của ENV là 1800-1522.