Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu nhà thầu cao tốc Bắc – Nam khỏi cơn “bão giá”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cả leo thang khiến cho nhiều nhà thầu dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 đang lâm vào tình trạng khó khăn cùng cực và cần sớm được “giải cứu” hơn bao giờ hết.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp khó khăn cùng cực vì giá vật liệu tăng cao.
Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam gặp khó khăn cùng cực vì giá vật liệu tăng cao.

Câu chuyện giá vật liệu leo thang theo giá xăng, dầu không phải chuyện mới. Bởi trong suốt nhiều tháng qua, tốc độ tăng phi mã của giá xăng, dầu trên thị trường đã ảnh hưởng tới đời sống xã hội cũng như các hoạt động kinh tế. Và đợt điều chỉnh gần đây, giá xăng, dầu mới được giảm xuống.

Với ngành GTVT, “bão giá” đã và đang trở thành rào cản lớn cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó, đáng quan ngại nhất là các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 – 2020).

Đáng lo ngại hơn, cơn “bão giá” xuất hiện đúng vào thời điểm các dự án thành phần của “siêu dự án” này đang bước vào giai đoạn nước rút. Các công trường đều đang khẩn trương đua tiến độ để “về đích” đúng thời hạn đề ra.

Càng làm càng lỗ

Trong số các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 đang thi công có 4 đoạn tuyến phải hoàn thành trong năm nay đang trong tình trạng căng thẳng nhất. Các nhà thầu chịu sức ép rất lớn, phải đảm bảo tiến độ, nhưng với việc giá vật liệu leo thang, họ đang đứng trước nguy cơ càng làm càng lỗ.

Đại diện một nhà thầu thẳng thắn thừa nhận, với mức giá vật liệu xây dựng như hiện nay, họ không biết xoay sở ra sao.

Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2020 (thời điểm ký hợp đồng thi công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam) tới tháng 4/2022, các loại vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng cao. Cụ thể, đất đắp nền đường tăng 30 - 40%; cát, đất, xi măng tăng 25 - 30%; sắt thép tăng 30 - 40% (một số thời điểm tăng trên 80%); dầu diezel tăng 30 - 50% (một số thời điểm tăng tới 90%).

Biến động giá nhiên, vật liệu khiến giá thành các gói thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam tăng so với giá hợp đồng đã ký trước đó từ 12 - 18% cho phần khối lượng xây lắp còn lại để hoàn thành công trình.

Từ tháng 4/2022 đến đầu tháng 7/2022, mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi giá xăng, dầu leo cao lên mức trên 30.000 đồng/lít. Mặc dù giá xăng, dầu vừa được điều chỉnh giảm đáng kể nhưng so với thời điểm cuối năm 2020, giá của các loại nhiên liệu này vẫn ở mức cao hơn rất nhiều.

Giới chuyên gia nhận định, theo quy luật thị trường, thông thường giá xăng, dầu tăng sẽ kéo các mặt hàng tăng theo ngay lập tức. Tuy nhiên, khi xăng, dầu giảm sẽ cần phải một thời gian các mặt hàng mới giảm theo và mức giảm rất nhỏ giọt. Thế nên, với những nhà thầu dự án giao thông, việc giá xăng, dầu vừa giảm không có ý nghĩa nhiều với họ vào lúc này.

Dù gặp nhiều khó khăn, các nhà thầu vẫn quyết tâm vượt khó để hoàn thành đúng tiến độ.
Dù gặp nhiều khó khăn, các nhà thầu vẫn quyết tâm vượt khó để hoàn thành đúng tiến độ.

Quyết tâm vượt khó

Mặc dù thừa nhận đang gặp vô vàn khó khăn vì giá vật liệu leo thang, song đại diện nhà đầu tư và nhiều nhà thầu vẫn quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, đẩy nhanh thi công, sớm hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Trên khắp các công trường của những dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam như: Cam Lộ - La Sơn; QL45 -  Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt...đều cho thấy không khí lao động khẩn trương và tinh thần quyết tâm cao vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Bất chấp cái nóng gay gắt của mùa Hè miền Trung, hàng trăm công nhân cùng máy móc, thiết bị vẫn miệt mài làm việc. Mồ hôi thấm đẫm trên lưng, cổ áo của từng người. Những cánh tay cháy nắng đến đỏ lửng càng khiến cho hình ảnh lao động trên công trường trở nên đẹp và đáng khâm phục hơn.

Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt tiến độ khoảng trên 90%. Đại diện nhà đầu tư và nhà thầu đều nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đích thân lãnh đạo Ban QLDA vẫn thường xuyên kiểm tra đôn đốc, động viên các nhà thầu tập trung nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca tăng kíp.

Tương tự, các dự án QL45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt; Vĩnh Hảo – Phan Thiết cũng đang tích cực đua tiến độ. Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, tiến độ dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhà thầu đã tăng cường huy động xe máy, thiết bị, tăng thêm hơn 100 đầu thiết bị, dây chuyền thi công, tổ chức tăng ca, kíp thi công. Cụ thể, các nhà thầu đã huy động 84/91 dây chuyền thi công. Trong đó, dây chuyền thi công nền đường đạt 45/46, cấp phối đá dăm có 19 mũi thi công, bê tông nhựa có 8 dây chuyền thi công.

Cần có cơ chế bù giá cho các nhà thầu trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao.
Cần có cơ chế bù giá cho các nhà thầu trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao.

Cần có cơ chế bù giá

Theo giới chuyên môn, trong thi công các dự án cao tốc Bắc Nam, nhiên liệu thường chiếm từ 8 - 10% chi phí xây lắp gói thầu; vật liệu chính và vật tư thi công (sắt thép, cát, đá, xi măng, nhựa đường, bê tông, đất đắp...) chiếm khoảng 35 - 45% giá gói thầu.

Các chuyên gia cho rằng, với việc từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiên liệu tăng hơn 100%, giá thép tăng từ 20 - 60%; giá cát, đá, nhựa đường, xi măng cũng đồng loạt tăng. Trong khi đó, hầu hết chủ mỏ, đơn vị cung cấp vật liệu, dịch vụ vận tải…, đều yêu cầu các nhà thầu thanh toán trước 100% thì không những khiến nhà thầu thua lỗ mà còn ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, biến động giá cả vật liệu trong thời gian qua là quá lớn. Đơn cử như: giá thép nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng hơn 20% (có thời điểm tắng 60%); giá xi măng từ 1.400 đồng/kg (thời điểm quý IV/2020) đến nay tăng 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020 đến nay tăng 15.000 đồng/kg.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá vật liệu tăng cao trong thời gian qua làm tăng giá thành các gói thầu tăng từ 18 - 30%. “Nhiều nhà thầu hiện nay không dám nhận các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường" – ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý; hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu, giúp họ yên tâm thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.