1. Là phần liên kiết giữa nhà phố với đường, vỉa hè luôn nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya. Cũng như những TP khác, ở Hà Nội không đường phố nào là không có vỉa hè. Vỉa hè rộng hẹp khác nhau theo từng con phố, từng vị trí trong khu vực. Vỉa hè ở khu phố cổ rất hẹp, nó phù hợp với kiến trúc nhà ống một, hai tầng “mái ngói lô xô” thấm đẫm màu thời gian, nằm khiêm nhường trên các phố Hàng đã có vài trăm năm tuổi, hình thành theo mạng lưới đường ô cờ vốn rất đặc trưng. Vỉa hè ở các khu phố cũ nơi có nhiều biệt thự mang phong cách tân cổ điển châu Âu, xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Tràng Thi, Phan Đình Phùng, Trần Phú… thì rợp bóng cây xanh và thoáng đãng rộng rãi. Vỉa hè xung quanh hồ Thiền Quang, Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm lại rất rộng, mang nhiều chức năng vừa là không gian xanh, nơi đi dạo, vừa mang tính chất vui chơi, giải trí. Đặc biệt, vỉa hè hồ Hoàn Kiếm không chỉ có nhiều cây xanh cổ thụ đặc trưng, gắn với truyền thuyết Vua Lê trả gươm báu cho thần Kim Quy, với các di tich như Tháp Hòa Phong, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút... Đây còn là nơi đông vui bậc nhất Hà thành, thu hút du khách thập phương mỗi khi đến Hà Nội.
Hầu hết trên các vỉa hè đều trồng cây xanh. Trước kia, khi thực hiện quy hoạch Hà Nội, các kiến trúc sư người Pháp đã chú ý chọn từng loại cây đặc trưng có bóng mát, phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình cho từng đường phố, khu vực. Cây được trồng phù hợp với cảnh quan đô thị, không làm ảnh hưởng đến an toàn khi giao thông mà còn tạo nên dấu ấn riêng cho mỗi con phố. Như cây sấu trồng ở các phố Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng… Cây xà cừ trên phố Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám… Cây cơm nguội, phượng vĩ ở phố Lý Thường Kiệt. Cây bàng trên đường Tràng Thi. Cây sao đen trên phố Lò Đúc… Thế nhưng, trên phố Tràng Tiền lại cấm trồng cây, vì sợ ảnh hưởng đến tầm nhìn hướng từ Bờ Hồ đến Nhà hát Lớn và ngược lại. Vào những năm 80 (thế kỷ XX) trở về trước, gạch lát vỉa hè vẫn còn là thứ gạch vuông bằng xi măng, có từ thời Pháp thuộc. Nhiều tuyến phố trung tâm, như ở quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, do mưa nắng và thời gian nên vỉa hè không còn bằng phẳng, nhiều chỗ mòn vẹt, hằn dấu gót của người xưa. Sau này, để làm đẹp và cải tạo TP, người ta đã cậy hết gạch bê tông lát hè cũ để thay vào đó là loại gạch block có màu xanh, đỏ, vàng thi công theo công nghệ mới, chỉ cần trải cát trộn xi măng đầm chặt, rồi đặt những viên gạch đúc có gờ như cái chốt đan cài nhau. Nhưng do thi công ẩu nên chỉ được một thời gian ngắn là gạch vỉa hè đã bung ra từng mảng, làm mất mỹ quan đô thị và gây khó khăn cho người đi bộ. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì vỉa hè vẫn cứ phải làm tròn chức năng của nó trong đời sống đô thị.
Từ trong các căn nhà phố chật chội bước ra vỉa hè, ta sẽ hòa vào một thế giới sôi động, thân thiện và cởi mở. Như chào hỏi, trò chuyện với người nhà bên. Bắt tay, gật đầu chào một người quen chợt đi ngang qua. Có thể mua tờ báo từ chú bé bán báo dạo, miệng không ngớt huyên thuyên về một vụ án nào đó vừa xảy ra. Hay giữa trưa hè nóng nực, chỉ một cái vẫy tay là có thể dừng một gánh xôi chè để thưởng thức bát chè đỗ xanh thơm mát, thoang thoảng mùi hương hoa bưởi. Vỉa hè ở khu phố cổ không chỉ là nơi mua bán tấp nập, mà còn là nơi dừng chân hấp dẫn du khách nước ngoài và các bạn trẻ mỗi khi đêm xuống với ly cà phê, cốc trà đá, trà chanh… hay món nem chua rán, lạc rang và bia cỏ.
Tôi vẫn còn nhớ, dưới chân Tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm, một thời, khi còn chiến tranh, ngồi đó có anh thợ khắc bút. Đồ nghề là cái hòm gỗ có nắp, nhỏ như cuốn vở học sinh, đặt trên cái ghế xếp cũng nhỏ, bằng gỗ. Anh ngồi đó, lặng lẽ không một tiếng rao, vậy mà chẳng mấy khi vắng khách. Lúc thì là cô gái trẻ bẽn lẽn đưa anh khắc vào thân chiếc bút máy Trường Sơn mới tinh còn thơm thơm mùi nhựa dòng chữ “Nhớ mãi” với một đầu là hình cây dừa nghiêng nghiêng soi bóng, đầu kia là hình Tháp Rùa. Lúc thì một anh bộ đội nhờ khắc lên chiếc lược làm từ mảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi, dòng chữ “Kỷ niệm”. Những cái bút, chiếc lược mà anh thợ khắc dưới chân Bút Tháp ấy đã đi vào cuộc chiến cùng hành trang của người lính. Và vài chục năm sau chiến tranh, khi bốc mộ liệt sĩ ở chiến trường miền Nam, trong những hài cốt đã rã ra lẫn vào đất, thi thoảng người ta vẫn tìm thấy chiếc bút máy Trường Sơn hay chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay có hình khắc thủa nào.
2. Như đời người, vỉa hè cũng thăng trầm lắm. Thời chiến tranh, hố trú ẩn máy bay Mỹ ném bom được đào khắp các vỉa hè, có nắp đậy bằng bê tông. Người trong nhà hay đi ngoài đường, mỗi khi nghe thấy tiếng còi hú báo máy bay giặc đang đến gần Thủ đô, là vội vã nhảy ngay xuống hố, kéo nắp bê tông lại, thế là an toàn. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, các cửa hàng trên phố hầu hết là của mậu dịch quốc doanh, hay hợp tác xã. Tư nhân cũng có, nhưng èo uột, nhỏ bé. Đường phố khi ấy thoáng đãng, giao thông chủ yếu bằng xe đạp và tàu điện. Xe máy rất ít, ô tô con lại càng hiếm, nếu có chủ yếu là xe biển xanh của cơ quan Nhà nước. Không có chuyện lấn chiếm vỉa hè để cơi nới nhà cửa, hay mở quán xá vô tội vạ và trông giữ xe bừa bãi. Khi ấy, kinh tế còn nghèo, nhưng đô thị lại trật tự, nề nếp, người hàng phố sống với nhau chan hòa, thân ái và biết nhường nhịn.
Bây giờ, đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao. TP cũng mở rộng, cải tạo và xây dựng khang trang, hiện đại với các khu đô thị mới, đường phố mới với rất nhiều nhà hàng, siêu thị, khách sạn và công trình cao vài chục tầng lấp loáng kính gương. Kinh tế thị trường làm cho nhà phố ngày càng có giá. Vỉa hè cũng trở thành con gà đẻ trứng vàng, được các nhà mặt phố tận dụng triệt để cả ngày lẫn đêm. Họ đua nhau mở cửa hàng, bán quán ăn, cà phê… rồi hằm hè, đánh chửi nhau, giành giật nhau từng mét vuông vỉa hè. Tình người cứ thế mà nhạt đi!
Mấy năm gần đây, chính quyền TP cũng rất quan tâm đến việc chỉnh trang bộ mặt đô thị, trong đó có vỉa hè. Hàng ngàn tỷ đồng cho việc cạy gạch cũ, lát gạch mới, rồi bó lại vỉa, trồng cây thay thế những cây đã già cỗi, hay bị bọn “sưa tặc” vác cưa máy lợi dụng đêm khuya, mưa to gió lớn chặt trộm mất. Các đội dân phòng và công an phường hăng hái đi dẹp hàng rong, mái vẩy, quán cóc, chỗ để xe bừa bãi. TP khang trang dần lên sau mỗi lần cải tạo, chỉnh trang, ra quân lập lại trật tự văn minh đô thị (?!). Nhưng, chỉ được ít lâu là đâu lại vào đấy. Vỉa hè lại bị lấn chiếm để làm của riêng cho những kẻ hám lợi. Rồi cái nạn hết đào lên, lại lấp xuống để đặt đường cáp điện ngầm, hay thay đường ống cấp nước không biết khi nào dừng. Cứ thế, vỉa hè cũng long đong như phận nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, chưa kịp đẹp đã tơi tả, lở loét bởi lối làm ăn tắc trách mà không ai chịu trách nhiệm! Chỉ khổ cho người đi bộ, người bán hàng rong luôn phải đi xuống lòng đường ầm ĩ xe ô tô, xe máy mà nơm nớp “sống trong sợ hãi!”.
3. Những ngày cuối năm, đường phố Hà Nội sáng đẹp hẳn ra với các cửa hàng, cửa hiệu được trang trí rực rỡ đủ sắc màu hấp dẫn mời gọi khách ghé vào mua hàng Tết, mua hàng giảm giá. Hè phố nhộn nhịp người đi. Trong muôn vàn âm thanh ồn ã ấy, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, không biết đến khi nào cái quyết tâm làm cho “đường thông - hè thoáng” của chính quyền TP thành hiện thực, trả lại cho người đi bộ một vỉa hè thông thoáng, để mọi hoạt động của cộng đồng diễn ra trên vỉa hè bình an, thân thiện… như một phần không thể thiếu của TP ngàn năm tuổi này.