Giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT: Những điều sĩ tử cần “nằm lòng”

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ chính thức bắt đầu. Do là giai đoạn nước rút nên các sĩ tử cần chuẩn bị cho mình tâm lý tốt nhất và những bước cần thiết để sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng này, nhất là khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Giữ tâm lý thật vững vàng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 8/8 - 10/8 tới. Thầy giáo Trần Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao nhất thì yếu tố tâm lý là vô cùng quan trọng với mỗi thí sinh. Thí sinh cần chuẩn bị cho mình tâm lý tốt nhất cả trước và trong khi thi.
“Trước khi thi, các em cần giữ cho mình tinh thần lạc quan vào sự lựa chọn nguyện vọng, trường học, ngành học mà mình đã đăng ký. Cho dù sau này có kết quả ra sao thì cũng còn rất nhiều phương án khác, không đỗ nguyện vọng cao thì chuyển sang nguyện vọng thấp hơn” - thầy Tùng khuyên.
 
Nhiều thầy cô khác cũng khuyên các em hãy hệ thống lại kiến thức một cách tổng thể, có thể theo từng bài, từng chương. Ghi chú các nội dung mà bản thân còn thiếu, còn yếu và lên kế hoạch khắc phục, càng cụ thể càng tốt. Nếu còn thắc mắc ở phần kiến thức nào thì có thể hỏi thầy cô, bạn bè để tìm cách giải quyết. Các em cần bám sát đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố để có kỹ năng làm bài phù hợp với từng môn thi.
Khi còn 1 - 2 ngày trước thi, thí sinh chỉ nên học nhẹ nhàng. Đến ngày làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế thi, các em có thể chuyện trò với các bạn cùng phòng thi để tạo không khí cởi mở bằng những câu chuyện đời sống, gia đình hay học hành, tạo tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng.
Còn giai đoạn trong khi thi, thí sinh cần nắm rõ và tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ coi thi. Khi phát đề, các em kiểm tra kỹ xem đề thi có vấn đề gì bất thường để báo cáo giám thị kịp thời. Khi làm bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Bộ GD&ĐT quyết định giảm tải chương trình.
Đề tham khảo lần 2 cũng đã thể hiện rõ điều này nên việc xác định các câu mang tính phân loại sẽ giúp thí sinh phân bổ được thời gian làm bài hợp lý. Trong khi làm bài thi, nếu cảm thấy căng thẳng, các em có thể tự “xả stress” bằng cách uống một cốc nước lọc, vươn vai tại chỗ khoảng 1 phút cũng giúp tâm lý được thoải mái hơn rồi lại làm bài tiếp.
Để thí sinh thi tốt môn Toán
Thầy Tùng nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể coi như “một cuộc đấu trí” giữa các sĩ tử để giành suất vào học ĐH, CĐ. Độ khốc liệt rất cao nên, em nào càng có cho mình kế hoạch cụ thể, chi tiết thì khả năng giành chiến thắng mới cao. Mình còn thiếu và yếu phần nào thì có kế hoạch ôn tập kỹ phần đó.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) trong một giờ ôn luyện Toán cho học sinh. Ảnh: Đình Tuệ.

Khi làm đề thi thử, các em cần làm một cách nghiêm túc và như thi thật. Một mình ngồi một phòng trong nhà mình, đóng cửa lại, tắt hết thiết bị di động, internet và làm bài trong thời gian quy định. Từ đó, thí sinh tự chấm điểm cho mình và ước lượng được khả năng của mình đến đâu.
Với môn Toán, qua quan sát đề thi những năm qua, thầy Trần Mạnh Tùng nhận thấy, mức độ phân hóa của đề thi thường theo cấu trúc điểm 7 + 3 hoặc 8 + 2. Do đó, mỗi em nên lượng sức để đặt mục tiêu hợp lý cho mình. Chẳng hạn, nếu em phấn đấu đến 8 điểm thì lúc ôn thi em ưu tiên thật chắc phần cơ bản (6 điểm), sau đó ôn thêm phần vận dụng (mốc 7 - 8 điểm) và có thể bỏ qua phần vận dụng cao (9 - 10 điểm) để tiết kiệm thời gian và ôn thi hiệu quả. Các câu hỏi khó thường rơi vào các dạng toán cụ thể, đòi hỏi có phương pháp giải lâu hơn để phân loại được thí sinh.
Trong bối cảnh thi trắc nghiệm môn Toán, đây là yếu tố quyết định để đạt điểm cao. Lấy ví dụ cho bài thi Toán (50 câu, 90 phút): Các em cần rèn tính nhanh, tính nhẩm tốt, ít phụ thuộc máy tính để cố gắng hoàn thành 30 câu đầu (6 điểm) trong khoảng 45 phút.
Dành 45 phút tiếp theo để xử lý 20 câu còn lại, như thế mới có cơ hội đạt điểm cao. Trong trường hợp làm 30 câu đầu mất nhiều thời gian quá, khoảng 75 phút chẳng hạn, thì với 15 phút còn lại không đủ thời gian để đọc đề chứ chưa nói đến giải quyết vấn đề, hậu quả là các em khó vượt qua mốc 6 điểm.
Để rèn luyện, hàng ngày học sinh nên dành thời gian làm bài tập có tính giờ, luyện tính nhẩm để giảm thời gian làm bài xuống dần dần. Học thêm các công thức rút gọn, các kết quả có sẵn… Nếu các em biết cách học thì sẽ bớt mệt nhọc, học khôn ngoan sẽ bớt gian nan.

Cần bỏ tư tưởng “ăn chuối dễ trượt, ăn trứng dễ bị 0”

Một điều không thể bỏ qua trước hay trong khi thi là thí sinh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Phối hợp các món ăn hợp lý và tránh ăn các món không tốt cho dạ dày như đồ chiên rán, cay nóng, bia rượu…

Các thí sinh cũng cần loại bỏ suy nghĩ có phần thiếu căn cứ là đi thi thì không nên ăn chuối, trứng vì dễ trượt và bị 0 điểm. Điều này chỉ là truyền miệng và không có căn cứ khoa học. Thực tế cả 2 món ăn này đều chứa một lượng chất dinh dưỡng nhất định rất tốt cho cơ thể.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần ngủ cho đủ giấc, mỗi ngày khoảng 6 - 8 tiếng để đảm bảo sức khỏe, tinh thần thoải mái. Không nên lạm dụng các chất kích thích như nước chè, cà phê để thức thâu đêm ôn luyện. Các em nên thực hiện ngủ sớm - dậy sớm thay vì thức quá khuya dễ dẫn đến mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần