Giải mã giá cà phê tăng phi mã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo giá cà phê tại thị trường trong nước và thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 do thị trường quốc tế lo ngại tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại vùng Tây Nguyên sẽ khiến sản lượng cà phê robusta Việt Nam suy giảm.

Tình hình này đòi hỏi các DN chế biến, xuất khẩu cà phê phải thận trọng trong ký kết hợp đồng với đối tác theo kỳ hạn.

Giá cà phê lập đỉnh lịch sử, vượt mốc 100.000 đồng/kg

Quý I/2024 được xem là thời kỳ vàng son của cà phê robusta trong nước khi giá tăng liên tục và đạt mức kỷ lục mới trong 30 năm qua. Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đạt mức cao nhất trong 30 năm vào ngày 27/3, tăng 30% so với đầu năm 2024 và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Ghi nhận ngày 4/4, giá cà phê trong nước tăng phi mã, mức tăng từ 2.800 - 3.000 đồng/kg, vượt mốc 100.000 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 101.600 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 101.700 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từng ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Thu hoạch cà phê năng suất cao tại tỉnh Lâm Đồng Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Thu hoạch cà phê năng suất cao tại tỉnh Lâm Đồng Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Nhìn lại thị trường, có thể thấy cơn sốt giá cà phê bắt đầu nóng từ cuối năm 2023. Cụ thể, vào tháng 11/2023, giá cà phê lúc đó chỉ dao động ở mức 59.000 - 60.000 đồng/kg nhưng chỉ một tháng sau, giá mặt hàng này tăng vọt lên 69.000 đồng/kg, đến đầu năm 2024 vượt 80.000 đồng/kg. Đà tăng giá của cà phê vẫn chưa dừng lại khi sang tháng 3/2024 với mức 86.000 đồng/kg, tăng trên 30% so với cuối năm 2023.

Tiếp đến, trong 20 ngày sau đó, loại nông sản này đắt thêm gần 10%, lên 95.000 đồng/kg, và tính đến thời điểm ngày 4/4 là vượt mốc 100.000 đồng/kg. Mức giá đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, chỉ sau hơn 5 tháng, giá cà phê đã tăng hơn 60%, đây là mức tăng kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.

Lý giải về nguyên nhân giá cà phê tăng phi mã, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) Nguyễn Nam Hải cho rằng, do nhiều lý do tác động nhưng có 3 lý do chính.

Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023 - 2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.

Thứ hai, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao.

Thứ ba, hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Dân hết hàng, doanh nghiệp than khó

Giá cá phê lập đỉnh và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn hàng để bán. Trong khi đó các DN nội địa chuyên chế biến, xuất khẩu than không kịp trở tay vì chưa kịp trữ nguồn cung nguyên liệu. Nhiều DN buộc phải mua hàng vào khi giá đang trên đỉnh để thực hiện các hợp đồng đã ký từ trước.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More chia sẻ, chưa bao giờ DN lại lâm vào hoàn cảnh này. Hàng năm, giá cà phê không biến động nhiều nên việc thu mua nguyên liệu để chế biến khá dễ dàng.

Tuy nhiên, năm nay, DN không thể mua dự trữ do giá leo thang, trường hợp nhập được, DN chỉ dám mua số lượng nhỏ giọt để chế biến và giao cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng.

“Trước đó, công ty đã ký đơn hàng với các khách hàng Mỹ, Hàn Quốc với cam kết giao hàng trong quý I/2024 nhưng hiện tại gần như không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao gấp 3 - 4 lần so với giá trước đó. Do đó, nếu càng xuất nhiều, DN càng lỗ nhiều và thậm chí không dám ký đơn hàng mới vì rất khó để đàm phán theo giá tăng” - ông Nguyễn Ngọc Luận nói.

Tình cảnh trên cũng đang diễn ra ở các DN xuất khẩu cà phê nhân. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông, người trồng thấy giá cao nên trữ hàng không bán. Điều này càng làm cho thị trường khan hiếm, đẩy giá tăng cao hơn.

 

 

Xu hướng giá cà phê sắp tới rất khó dự đoán, cũng như trước đây, không có chuyên gia cà phê nào có thể dự đoán giá cà phê trong nước có thể lên đến hơn 100.000 đồng/kg như hiện nay. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) Nguyễn Nam Hải

 

DN phải chịu lỗ nặng khi mua cao, bán thấp. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tới thời điểm này, cà phê trong người dân gần như không còn. Thường thì sau đầu vụ thu hoạch khoảng 2 - 3 tháng (tức khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm), người dân đã bán hết cà phê. Hiện nay, không chỉ có người dân không còn cà phê để bán, các DN thu mua cũng đã cạn nguồn hàng để xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu…

Giá cà phê vẫn neo cao ít nhất từ nay đến tháng 5/2024

Nhiều chuyên gia nhận định, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 5/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới. Có thể cà phê nhân Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024. Hiện, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới cả về sản lượng xuất khẩu và chất lượng cà phê robusta.

Mặt khác, Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch và phải đợi tới tháng 10/2024 mới vào vụ thu hoạch tiếp theo. Ngoài ra, nắng nóng khô hạn cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vụ cà phê sắp tới. Do vậy, giá cà phê đã liên tục phá cột mốc 80.000 đồng/kg, 90.000 đồng/kg và 100.000 đồng/kg. Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung cà phê Arabica nhưng sẽ có khó khăn với cà phê robusta.

Theo nhận định của các DN, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao. Thực tế hiện nay, một số nhà chế biến cà phê đã chuyển sang nhập cà phê nguyên liệu ở Brazil và Ấn Độ, bởi giá cà phê các nước này thấp hơn ở Việt Nam. Như vậy, cả người trồng và DN chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi khi thị trường ổn định trở lại.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh đánh giá: “Dù phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê Robusta của Việt Nam hơn cà phê robusta conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như hiện nay, các DN rang xay cà phê lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil”.

Điều này cũng đã được Vicofa cảnh báo. Theo Chủ tịch Vicofa Nguyễn Nam Hải, khi khách hàng các nước đã quen với hương vị cà phê Robusta của Việt Nam thì việc thay thế sang nguồn hàng khác không phải dễ. Tuy nhiên, nếu giá cà phê duy trì mức cao trong thời gian dài, khách hàng buộc phải thay thế nguồn cung từ Brazil hay Indonesia.

"Giá cà phê cao có lợi cho người trồng nhưng khi cao quá so với sức mua thì lại gây bất lợi cho cà phê Việt Nam. Dự báo ít nhất từ nay đến tháng 5/2024, giá cà phê vẫn chưa hạ xuống do lượng hàng từ Brazil và Indonesia chưa thể bù đắp" - ông Nguyễn Nam Hải dự báo.

 

 

Hiệp hội cà phê, cơ quan quản lý và các DN cà phê cần thảo luận với nhau để có giải pháp, ngăn chặn tình trạng đẩy giá cà phê tăng quá cao. Điều quan trọng nhất là phải điều tiết giá cà phê trong nước, không thể để giá cà phê tăng đột biến và không thể kiểm soát, gây bất lợi cho cả người trồng và DN.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông

 

Vicofa khuyến cáo các DN chế biến, xuất khẩu cà phê phải theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng. Nếu trước đây ký hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn thì trong bối cảnh hiện nay, để giảm bớt rủi ro thua lỗ, DN xuất khẩu nên mua ngay bán ngay thay vì ký bán kỳ hạn như trước.

"Những ngày qua, giá cà phê tăng lên từng ngày. Nếu DN ký bán kỳ hạn thì không thể tránh khỏi thua lỗ. Vì vậy, hiệp hội sẽ tiếp tục họp với các DN chế biến, xuất khẩu cà phê để cập nhật thông tin và thường xuyên đưa ra cảnh báo" - ông Nguyễn Nam Hải phân tích.