Giải mã nguyên nhân cảng biển, hàng không 'đắt hàng'

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nguồn lực NSNN hạn hẹp, việc nhiều nhà đầu tư xin được nhượng quyền khai thác tất cả hoặc một phần các cảng hàng không, mua đến 80% cổ phần tại 2 cảng biển lớn nhất (Hải Phòng, Sài Gòn) là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự hấp dẫn của việc đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Tăng trưởng nhanh, tiềm năng lớn

Tăng trưởng nhanh, tiềm năng lớn có lẽ là 2 yếu tố then chốt để “người bán” và “người mua” dễ tìm tiếng nói chung nhất trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư của tư nhân vào hạ tầng hàng không. 

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thứ nhất, đối với “người mua”, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời dự báo đến năm 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam đạt tương ứng 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm.
"Dù các cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của Nhà nước hay các thành phần kinh tế khác thì vai trò quản lý của nhà nước không thay đổi. Nhà nước sẽ chuyển qua điều tiết các bên thực hiện đúng quy định của pháp luật, thay vì trực tiếp vận hành, khai thác thì chuyển giao để tăng nhanh vòng quay thu hồi vốn đầu tư, tiếp tục đầu tư các dự án mới. Người dân thì sẽ được đa dạng hóa các nhà cung cấp nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế độc quyền khai thác."
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách vào năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng phương tiện này trên dân số vẫn còn thấp,  vì vậy vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Còn đối với “người bán” thì trên thực tế Việt Nam mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm hàng không trong khu vực như Singapore, Bangkok, Hongkong của các hãng hàng không lớn của châu Âu, Bắc Mỹ do yếu tố cơ sở hạ tầng hàng không là một trong những điểm yếu của Việt Nam, không đáp ứng lợi thế cạnh tranh trong khu vực.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. Dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ là 30.724 tỷ đồng (13,3%), nguồn vốn từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%), nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%), vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%). Phần còn lại 110.367 tỷ đồng (48,4%) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và vốn theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Rõ ràng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông từ ngân sách Nhà nước hạn chế, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Vì vậy, để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước là một nhu cầu cấp thiết.

Lĩnh vực cảng biển thu lợi nhuận tốt

Cùng với hàng không, kinh doanh cảng biển được đánh giá là lĩnh vực thu lợi nhuận tốt, chỉ tính riêng năm 2014, lợi nhuận trung bình của các cảng biển đạt tới 14%. Thêm vào đó là chủ trương giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại các cảng biển. Đồng thời, các cảng này đều nằm ở những vị trí cực kỳ thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển như: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn…

Chính vì vậy, các nhà đầu tư tư nhân cũng nhận thức được vấn đề này nên đã xin đầu tư vào các cảng biển. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup đã chính thức có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề xuất được làm nhà đầu tư chiến lược của hai đơn vị thành viên của Vinalines là Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.

Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nếu tư nhân được phép đầu tư kinh doanh cảng biển thì với sự năng động của họ có thể thay đổi cách quản trị tại các cảng biển, từ đó sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất hơn cho xã hội.

Đồng quan điểm, phát biểu tại Hội thảo mới đây về xã hội hóa hàng không, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, câu chuyện cho tư nhân tham gia kinh doanh sân bay, cảng biển là chủ đề không mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam là mới. Sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn Nhà nước, hiệu quả đó xuất phát từ việc tư nhân sở hữu sẽ không xung đột lợi ích./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần