Giải ngân đầu tư công bao giờ cải thiện?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương, bộ, ngành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2022, công tác giải ngân nguồn vốn quan trọng này, như thường lệ, vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, “điểm sáng” lại ở số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.

Đáng chú ý, 39/51 bộ, cơ quan T.Ư và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, 14 bộ, cơ quan T.Ư và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh lại nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất cả nước. Tính đến ngày 23/9, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân đầu tư công được 10.877 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng vốn được giao.
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là những câu chuyện cũ. Đó là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách…

Tuy nhiên, nguyên nhân chính được đưa ra là nhiều địa phương vẫn yếu kém trong tổ chức triển khai thực hiện, nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn triển khai các dự án thành phần nên địa phương lúng túng, không giám triển khai; một số chính sách có điều chỉnh; có một số vướng mắc trong quy định đối với nguồn vốn nước ngoài; khan hiếm vật liệu, giá vật tư xây dựng tăng nên các nhà thầu chần chừ... Năng lực quản lý, triển khai dự án của một số cán bộ còn hạn chế, khâu chuẩn bị đầu tư của các địa phương chưa tốt.

Như vậy, các nguyên nhân đã được đưa ra để tìm hướng giải quyết. Năm 2022, hàng loạt giải pháp để tăng tốc giải ngân đầu tư công cũng đã được đưa ra nhưng đến nay, vẫn chờ kết quả quý IV - quý thường tăng tốc giải ngân nguồn vốn này để có con số cuối cùng.

Tháo gỡ khó khăn, những nút thắt cho các dự án chậm giải ngân vốn từ khâu triển khai của các địa phương đến cơ chế, chính sách từ bộ, ngành là câu chuyện sẽ tiếp tục được thực hiện tích cực.

Tuy nhiên, tăng tính kỷ luật trong giải ngân đầu tư công là câu chuyện cần được làm mạnh tay hơn, tăng trách nhiệm đối với chủ đầu tư từng dự án, với từng địa phương, từng bộ, ngành.

Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.