Tại Hà Nội, các giải pháp có tính đột phá nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ hơn 90% cũng đang được gấp rút triển khai. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cũng như chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân.
Từ đầu năm 2022 đến nay, vấn đề tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp luôn khiến các cơ quan quản lý rất lo lắng. Từ Quốc hội đến Chính phủ, các tỉnh, TP cũng liên tục có những cuộc họp, chỉ thị để đôn đốc quyết liệt vấn đề này. Theo thống kê, nếu so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 39,15%. Con số này dù được đánh giá là đã có sự bứt phá so với những tháng đầu năm nhưng vẫn là rất thấp, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực phát triển.
Tại Hà Nội, năm 2022, tổng vốn đầu tư công của Hà Nội là hơn 51.000 tỷ đồng, trong đó cấp TP là 34.000 tỷ đồng; cấp huyện là hơn 16.000 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của TP từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 mới bằng 21,1% kế hoạch giao.
Nhiều nguyên nhân đã đã được chỉ ra, có cả những nguyên nhân khách quan do khó khăn vướng mắc từ nhiều năm; một số dự án phát sinh hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư… nhưng cũng còn cả nguyên nhân chủ quan, sâu xa là ở một số nơi, đơn vị chưa có sự quyết liệt vào cuộc của người đứng đầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án.
Bởi cùng một cơ chế, chính sách nhưng tỷ lệ giải ngân lại không đồng đều, có nơi cao, nơi thấp. Hà Nội đã nhìn rõ những hạn chế dẫn đến tình trạng này và yêu cầu các ngành chức năng có giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ hơn 90%.
Gần đây nhất, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trong Chỉ thị, nhiều yêu cầu đã được nhấn mạnh, như tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Giao ban hàng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…
Đặc biệt, TP tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các cấp, ngành; xác định đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ, công chức.
Đối với các dự án không có khả năng thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, chủ đầu tư là người đầu tiên chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, do vậy, từng chủ đầu tư cần phải rà soát kỹ và đề xuất với TP. Các đơn vị liên quan phải rà soát đồng bộ dự án chuyển tiếp, dự án mới để xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên để đề xuất bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch trung hạn và hàng năm cho hợp lý.
Việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp đã được chỉ rõ, gắn việc người đứng đầu xác định rõ trách nhiệm của mình, đồng thời, thực hiện triệt để các quy định trong phân cấp, ủy quyền. Đi kèm với khuyến khích tư duy sáng tạo, mạnh dạn với cách làm đột phá, tháo gỡ, sẽ giải quyết điểm nghẽn, nút thắt cơ chế, chính sách ngay từ cơ sở, để vấn đề giải ngân đầu tư công không còn là nút thắt.