Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải ngân xây dựng cơ bản chậm: Chính phủ nhận trách nhiệm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trước hết phải đảm bảo thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản ứng trước. Phải ưu tiên tập trung cho các dự án quan trọng và cấp bách, các dự án đối tác công tư, đối ứng cho dự án ODA… Sau đó mới bố trí cho công trình khởi công mới”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ  bày tỏ, giải ngân vốn đầu tư công chậm dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, xảy ra ở địa phương nào thì cũng là trách nhiệm của Chính phủ và hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới.
Đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Luật Đầu tư công mới có từ năm 2015 còn nhiều lúng túng trong việc ban hành văn bản cho đến khâu thực hiện. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng chưa có tiền lệ cho nên chưa có kinh nghiệm nhiều. Nhu cầu đầu tư công rất lớn và bản thân kế hoạch mà Quốc hội phê duyệt theo nghị quyết 06 là 2 triệu tỷ đồng thì cũng phải cắt giảm 200.000 tỷ đồng. Các bộ ngành và các địa phương mất rất nhiều thời gian để rà soát sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nên cũng làm giảm tiến độ giải ngân. Có nhiều quy định thủ tục làm cản trở quá trình giải ngân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, về chủ quan, vẫn đang chậm trong việc rà soát phát hiện để sửa đổi các vấn đề cần thiết. Đồng thời, các bộ ngành địa phương chưa kiên quyết trong việc rà soát xử lý theo tinh thần của Quốc hội đề ra.
“Giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 có cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng phải thẳng thắn mà nói là còn chậm và không phân bổ hết dự toán. Số tiền trong dự toán thì Chính phủ và Bộ Tài chính luôn bảo đảm nên chúng ta không tiêu hết được", Phó Thủ tướng đánh giá. Theo Phó Thủ tướng, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. "Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, xảy ra ở địa phương nào thì chúng tôi cũng nhận trách nhiệm là của Chính phủ và hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nói.
Nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ KH&ĐT “cũng giằng xé giữa nhiều lựa chọn dẫn đến tình trạng việc nào cũng muốn nên việc cắt giảm các dự án rất khó khăn", tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, trước hết phải đảm bảo thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản ứng trước. Phải ưu tiên tập trung cho các dự án quan trọng và cấp bách, các dự án đối tác công tư, đối ứng cho dự án ODA… Sau đó mới bố trí cho công trình khởi công mới.
Nêu lại một số những việc đã triển khai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ rà soát các nghị định thông tư về đầu tư công, đấu thầu xây dựng, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, nâng cao đạo đức công vụ, năng lực các ban quản lý đề án kịp thời thanh toán kho bạc và đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan tới đầu tư công. Bộ ngành có quyết định phân bổ mà chưa giải ngân vốn tối thiểu thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cắt giảm cho vào nguồn dự phòng chung. Tăng cường thanh tra, kiểm toán xử lý nghiêm cán bộ cấp nào làm chậm giải ngân, gây thất thoát, tiêu cực tham nhũng.
Cùng làm 1km cao tốc Việt Nam tốn gấp nhiều lần Trung Quốc, Mỹ?
Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đặt ra vấn đề chống lãng phí trong đầu tư công. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam sẽ làm trên 1.370km, với tổng mức đầu tư 312.435 tỷ đồng, tương đương 14 tỷ USD, và suất đầu tư đường cao tốc là trên 12 triệu USD/km. Và theo báo chí, các chuyên gia quốc tế cũng đã tính suất đầu tư bình quân là 12 triệu USD, sau khi trừ mọi chi phí. Còn với Trung Quốc, chi phí của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là trên 3 triệu USD/km. "Như vậy, chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe của ta cao gấp 2 đến 4 lần các nước, nhưng chất lượng lại không bằng", đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu.
Cũng theo đại biểu, "đường sắt cao tốc của ta thì suất đầu tư cũng 50 triệu USD, cao hơn các nước rất nhiều, cao hơn 2,5 lần của Thái Lan. Vậy bộ trưởng làm thế nào để trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, giảm suất đầu tư ở đường bộ, đường sắt?"
Được yêu cầu làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: "Thời gian qua Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo vấn đề này. Hiện Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang xem xét, tính toán. Đường 6 làn xe là 200 tỷ đồng/km chưa tính GPMB. Ở Việt Nam có những khu vực có những mức giá khác nhau, miền núi, trung du, đồng bằng khác nhau, với dải suất đầu tư từ 7,4 đến 17,2 triệu USD".
Theo ông Nghĩa, trong đầu tư, giá thành chịu ảnh hưởng nhiều vấn đề trong đó suất đầu tư đường cao tốc ở các khu vực khác nhau có mức giá khác nhau, chưa tính đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. "Trong báo cáo của chúng tôi, đối với đường cao tốc 6 làn xe thì ở Đức 10,9 triệu USD/km; Áo 16,7 triệu, Mỹ 12,8 triệu USD/km, Trung Quốc 10,5 -13,6 triệu USD/km. “Riêng Dự án cao tốc Bắc - Nam chúng tôi dự kiến 9,5 triệu USD”- Bộ trưởng Nghĩa cho hay. Với các dự án đường sắt, Bộ trưởng cho biết theo dự kiến của phía Nhật Bản, khi xin chủ trương là 50 tỷ USD. Đến kỳ họp thứ 2 năm 2018 thì xin ý kiến Quốc hội, lúc đó có giá chính xác hơn.
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiết kiệm nguồn lực, chống thất thoát, lãng phí, thì phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công, trong đó đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án; làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí.
Việc kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kiện toàn về tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức cho phù hợp với việc phân cấp trong đầu tư, đáp ứng yêu cầu về quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển có hiệu quả cũng đã được nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc Luật Đấu thầu, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định.