Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp bảo vệ môi trường tại các làng nghề Hà Nội

Đinh Thành Trung (Tây Hồ, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay tại Hà Nội, các làng nghề tồn tại và phát triển như một phần trong quá trình phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường của các làng nghề này có nhiều điều đáng bàn.

Cần có chế tài hiệu quả

Với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề, việc ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất này vẫn là bài toán không dễ giải quyết. Riêng làng nghề đã chiếm hơn 50% tổng số làng ở khu vực nông thôn, nghĩa là cứ 2 làng thì có một làng có nghề.

Làng nghề làm miến Cự Đà, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng
Làng nghề làm miến Cự Đà, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng

Không thể phủ nhận rằng chính các làng nghề này đã đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của khu vực ngoại thành, nâng cao đời sống cho người dân tham gia làm nghề truyền thống.

Tuy vậy, hệ lụy với môi trường từ các làng nghề từ lâu nay vẫn là điều đáng quan tâm. Giải bài toán này không dễ vì đụng tới nghề truyền thống và nếu làm không tốt thì ảnh hưởng đến lao động, việc làm nông thôn. Trong những năm qua, TP Hà Nội đã cân nhắc để cân bằng lợi ích và ô nhiễm môi trường làng nghề. Hệ lụy xảy ra không chỉ là ô nhiễm không khí mà còn ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, không khí... Nguyên nhân chủ yếu là các làng nghề chỉ xử lý rác thải ở mức cơ bản như thu gom và đổ đi, thậm chí xả trực tiếp ra môi trường mà không có biện pháp xử lý triệt để.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, việc cốt lõi là chúng ta cần tác động đến nguyên nhân trực tiếp là xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế đến mức tối đa 2 hành động là đốt rác và xả thẳng nước, rác ra môi trường. Nước thải của làng nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nhiều hơn nước thải sinh hoạt, do vậy cần có đo lường và từ đó xử lý triệt để. Bởi lẽ, đặc thù sản xuất tại các làng nghề chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ô nhiễm.

Do vậy cần có chế tài buộc các làng nghề ngoài việc đầu tư phát triển sản xuất cần dành tài chính cho việc bảo vệ môi trường. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội làng nghề truyền thống vào bảo vệ môi trường. Kết hợp trách nhiệm của các hội với cơ quan hành chính quận, huyện và tổ chức các chương trình phối hợp cùng những tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Qua đó gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường vào hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Chú trọng công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm

Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các Đề án nghiên cứu, dự án hoạt động tạo ra các sản phẩm cụ thể của làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Gắn tiêu chí bảo vệ môi trường vào thương hiệu làng nghề. Triển khai nguồn vốn xã hội cho phát triển ngành hàng sản xuất truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu đưa các quy trình bảo vệ môi trường vào từng công đoạn cụ thể của sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ. Cần tăng cường áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại cho các làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm. Phát triển các chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm. Giảm việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, để các cơ sở này tham gia vào chuỗi cung ứng.

Vận động người dân ở các làng nghề đẩy mạnh thu gom, xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh ở nơi sản xuất. Quy hoạch, xây dựng khu xử lý chất thải của các làng nghề. Nâng cấp các cụm công nghiệp làng nghề để giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường. Xây dựng quy trình và thẩm định kỹ thuật của chuỗi cung ứng để việc xử lý ô nhiễm môi trường tốt hơn, nhờ vào đó chúng ta có thể xây dựng hệ thống quy chuẩn bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

Nghiên cứu huy động nguồn vốn xã hội hóa và tư nhân để xử lý chất thải tại các xã, thị trấn có nhiều làng nghề, đặc biệt là xử lý nước thải, ưu tiên việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công nghệ cao. Tập trung xử lý môi trường tại các bãi chứa, chất thải sản xuất, chất thải xây dựng. Nâng cấp hệ thống cống rãnh để thoát nước.

Phát huy trách nhiệm của từng hộ gia đình có nghề để bảo vệ môi trường. Không chỉ yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường mà các hộ, các cơ sở làm nghề phải tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường chung và tích cực giáo dục thành viên gia đình, giáo dục con cháu, thanh thiếu niên có trách nhiệm bảo vệ môi trường, ít nhất không gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh phối hợp với Chương trình xây dựng Nông thôn mới trong tuyên truyền, vận động người dân, hộ gia đình góp sức bảo vệ môi trường. Cùng với đời sống tăng cao, hộ làm nghề cần đáp ứng đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, nếu đã gây ô nhiễm thì phải xử lý ngay thì mới công nhận để tiếp tục được sản xuất. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về môi trường, xử phạt nghiêm để làm gương.

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng chung của các cụm làng nghề và ở mỗi làng nghề về bảo vệ môi trường. Thường xuyên nghiên cứu để hoàn thiện hạ tầng môi trường của các làng nghề; đánh giá mức độ ô nhiễm của mỗi làng nghề, cụm làng nghề và hướng giải quyết. Cùng với đó là tiếp tục công tác quy hoạch cụm làng nghề, di dời các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vào cụm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Cuối cùng là, Hà Nội cần nhân rộng các mô hình tự quản trong các làng nghề và cụm làng nghề để phát huy tinh thần tự giác của người dân. Các mô hình tổ tự quản này đã phát huy rất hiệu quả trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là nắm thông tin, tuyên truyền vận động người dân ở các làng nghề. Từ đó đẩy mạnh thành phong trào rộng khắp, tiến đến phát triển làng nghề bền vững từ nền tảng ý thức của người dân.

 

Địa chỉ nhận bài viết dự thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ III : Ban Đô thị - Báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. (Điện thoại liên hệ: 098.747.9898 - Bà Thương Huế - Phó trưởng Ban Đô thị); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ III” có thể tìm hiểu thông tin trên Báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn hoặc trên các ấn phẩm báo in Báo Kinh tế & Đô thị.