Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tập trung vào việc hỗ trợ kết nối, chuyển đổi số cũng như tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đồng thời để các bên liên quan hỗ trợ thành công trong kết nối kinh doanh, chuyển đổi số, tiếp cận tài chính; cũng như trao đổi, thảo luận về các thách thức và kỳ vọng được tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới.
Cam kết hỗ trợ
Để hỗ trợ, duy trì và giúp các DNNVV phát triển, thời gian qua Bộ KH&ĐT và USAID đã có nhiều giải pháp, như hỗ trợ kết nối các DNNVV với DN đầu chuỗi. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến DNNVV, tiếp tục hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN, như giãn hoãn thời gian nộp thuế; miễn, giảm thuế phí các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay; cấp bù lãi suất cho DN những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế. Đặc biệt hỗ trợ tái cấu trúc lao động, hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho DN; đẩy nhanh, mạnh việc chuyển đổi số áp dụng khoa học công nghệ cho các DN vào hoạt động sản xuất nhằm từng bước thích ứng và phát triển bền vững.
Giám đốc Phát triển Kinh tế và Quản trị nhà nước của USAID tại Việt Nam Gregory Leon cho biết, trong 3 năm qua, USAID đã giúp các DNNVV đạt được mức độ sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, phù hợp với chuỗi cung ứng quốc tế. USAID đã làm được điều này thông qua hoạt động hỗ trợ các DNNVV kết nối với DN đầu chuỗi đang hoạt động ở cả Việt Nam và nước ngoài.
Khi đại dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện, USAID đã mở rộng hoạt động hỗ trợ để hỗ trợ thêm về chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. Chuyển đổi số giúp các DNNVV tăng khả năng phục hồi và hiệu quả hơn. Tiếp cận tài chính giúp các DNNVV giảm khoản nợ và có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Nhưng làn sóng dịch bệnh thứ 4 đã thực sự cho thấy đại dịch Covid-19 có thể gây ra thiệt hại như thế nào cho nền kinh tế của một quốc gia. Các DNNVV đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Do đó, USAID đang tăng các cam kết hỗ trợ DNNVV phục hồi, mở rộng thực hiện ngay những hoạt động về chuyển đổi số và tiếp cận tài chính. USAID cũng đang xây dựng các chương trình nâng cao kỹ năng của người lao động trong những hoạt động quan trọng của DNNVV, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống Covid-19 tại nơi làm việc, và từ đó sẽ khuyến khích cơ cấu lại nợ chủ động hơn.
Kể từ năm 2020, USAID đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh và mở rộng các hoạt động cải cách môi trường pháp lý và quy định để thân thiện hơn với các DNNVV. Đây là nội dung rất quan trọng đối với năng lực cạnh tranh trong dài hạn cũng như tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Một phần không nhỏ của hoạt động này là hỗ trợ các nỗ lực của Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 68 về đơn giản hóa và cắt giảm các quy định kinh doanh và Nghị quyết 02 về triển khai liên tục các nhiệm vụ và các biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ các nỗ lực số hóa các dịch vụ công, cho phép các DNNVV tương tác với các cơ quan Chính phủ dễ dàng hơn.
Điểm nhấn chuyển đổi số
Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) Lê Mạnh Hùng, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều DN đã phá sản, giải thể.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sự hợp tác và cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy. Ảnh: Khắc Kiên |
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết thêm, sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai các hoạt động của Dự án USAID LinkSME, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ trực tiếp tại DNNVV. Tuy nhiên, với nỗ lực hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, Bộ KH&ĐT và Dự án USAID LinkSME trong gần 1 năm vừa qua đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Về hỗ trợ kết nối với DNNVV với DN đầu chuỗi đã có 64 đơn hàng kết nối thành công, với giá trị đơn hàng đạt gần 1,3 triệu USD. Đồng thời, đã tổ chức được 11 khóa đào tạo cho DNNVV về kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hơn 700 DNNVV trong các ngành, lĩnh vực hỗ trợ của Dự án. Các hoạt động hỗ trợ DNNVV nâng cấp kỹ thuật nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của DN đầu chuỗi vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Việc tiếp cận tài chính là hoạt động mới triển khai của Dự án nhưng trong thời gian ngắn (5 tháng) có hơn 500 DNNVV được hỗ trợ đào tạo tăng cường năng lực tiếp cận tài chính và quản trị tài chính; ước tính đến cuối tháng 12 này có 10 DN được hỗ trợ thành công các khoản vay mới và tái cấu trúc nợ với tổng giá trị 170 tỷ đồng, trong đó: Tiếp cận vốn mới khoảng 120 tỷ đồng, tái cấu trúc nợ khoảng 50 tỷ đồng. Đồng thời, đã tổ chức 4 khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về tiếp cận và quản trị tài chính cho gần 300 DNNVV và tiếp tục tổ chức 2 khoá trong tháng 12/2021.
Các diễn giả chia sẻ về nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho các DN thích ứng và phục hồi trong tình hình mới. Ảnh: Khắc Kiên |
Điểm nhấn phù hợp với xu thế là chuyển đổi số cho DNNVV đã có hơn 500.000 lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin. Trong đó, gần 100.000 lượt đã tiếp cận các tài liệu nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1 - 1 để giải quyết những vấn đề cụ thể. Ngoài ra, Dự án đã cùng Bộ KH&ĐT phát hành cuốn sổ tay về chuyển đổi số; xây dựng khung đào tạo về chuyển đổi số theo hướng bền vững và các gói hỗ trợ chuyển đổi số theo từng giai đoạn phát triển của DN...
Trong năm 2022, các hoạt động hỗ trợ DN của Bộ KH&ĐT và Dự án sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng những hoạt động hỗ trợ kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV thông qua việc tài liệu hoá và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc. “Hy vọng các hoạt động này sẽ là sự hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa nhằm góp phần giúp DN có thể nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay” – ông Hùng nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh sự tham gia của các bên liên quan, qua đó tăng cường hơn nữa sự hợp tác của các đối tác vào dự án trong những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) Bùi Thu Thủy đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ DN thích ứng và phục hồi trong tình hình mới. Tổng Giám đốc Công ty CP Xuân Hòa Việt Nam Lê Duy Anh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất phụ tùng ô tô và Thiết bị công nghiệp JAT, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh Nguyễn Công Lãm, Tổng Giám đốc Công ty CP EUBIZ Việt Nam và EUBIZ Bình Dương đã chia sẻ những bài học vượt thách thức thành công. Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Đỗ Thị Thúy Hương, Giám đốc Công ty DATA Group Tống Duy Thái, Phó Giám đốc Khối khách hàng DNNVV (VP Bank) Đào Gia Hưng, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Wincom Đỗ Hoàng Hải tham gia thảo luận nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho DN thích ứng và phục hồi trong tình hình mới. |