Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp đột phá cho doanh nghiệp sau đại dịch

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, chiều 19/8, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”.

Chương trình được phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Những tín hiệu tích cực

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 – 2021, nhưng nền kinh tế Việt Nam trong quý III/2022 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức "ổn định" và "tích cực".

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý 2, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn bằng hình thức trực tuyến
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn bằng hình thức trực tuyến

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…

Đồng thời, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Xu hướng quản trị mới

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD); Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam cho biết, nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của Quản trị hoạt động – Quản trị doanh nghiệp, thì thế kỷ 21 là thế kỷ của Quản trị công ty (QTCT) và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) trao đổi thông tin tại Diễn đàn
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) trao đổi thông tin tại Diễn đàn
Theo định nghĩa của World Bank, QTCT là một hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của công ty, cho phép thu hút các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho các cổ đông, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan và xã hội.

Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, theo bà Hà Thu Thanh, một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản, gồm: Thiết kế hệ thống, xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống đó và có nhân lực để thực hiện. Khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, doanh nghiệp sẽ phát triển được bền vững, bất kể lãnh đạo doanh nghiệp là nam hay nữ, hay lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.

Còn tại Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều góc độ. Điều này được thể hiện từ việc tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế cho tới việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại Diễn đàn
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại Diễn đàn

Thực tế thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA đã ký kết. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp với trị giá khoảng 61,19 tỷ USD, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Nhờ vậy mà trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với  năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục là 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19%; xuất siêu tới 4 tỷ USD.

Theo ông Trịnh Minh Anh, cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng, tuy nhiên, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các Hiệp định.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp 
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp 

Tham gia tại Diễn đàn, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh các góc độ khác còn là góc độ văn hoá doanh nhân doanh nghiệp, thể hiện ở đạo đức kinh doanh.

Theo đó, ông Dương Trung Quốc đánh giá cao việc VCCI đã ban hành bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 nội dung, bao gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Các nội dung này là sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế với trách nhiệm xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.

Chuyển đổi số là tất yếu 

Trong bối cảnh bị hạn chế bởi dịch bệnh, tiến tới hội nhập không giới hạn, các chuyên gia, nhà quản lý tham gia Diễn đàn cùng cho rằng, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, con đường tất yếu là chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số quốc gia đã được thúc đẩy mạnh mẽ, được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban ngành thúc đẩy mạnh mẽ. 

Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là hướng đi tất yếu
Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là hướng đi tất yếu

Mới đây, tháng 3/2022, tại Quyết định số 411 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, cùng với Nghị định 80 của Chính phủ lần đầu tiên khẳng định một cách rõ ràng hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, phục hồi sau đại dịch.

Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu rất cụ thể để phát triển kinh tế số, xã hội số trong các ngành, lĩnh vực. Chiến lược này lấy giải pháp đột phá phát triển kinh tế số, đó là phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp.

 

Các số liệu cho thấy, có 69% doanh nghiệp khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với đại dịch, nhưng con số này ở Việt Nam là 47%, cho nên chuyển đổi số là một nhu cầu cấp thiết đối với nước ta. Mô hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp bao gồm: Công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu để đưa ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, tạo ra các giá trị tiên tiến. (Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông).