Giải pháp hạn chế lãng phí mua sắm tài sản công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiết kiệm chi tiêu công, tăng chất lượng hàng hóa mua sắm đầu vào, giá cả thống nhất, hợp lý hơn và đảm bảo công khai, minh bạch… là những ưu điểm của phương thức mua sắm tập trung tài sản công.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội đang tích cực chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị để thực hiện mua sắm theo phương thức này.

Tiết kiệm 10 - 17% chi phí

Theo số liệu của Bộ Tài chính, mỗi năm, ngân sách Nhà nước (NSNN) phải chi khoảng 200.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng chi để mua sắm tài sản công. Vừa qua, thông qua thí điểm mua sắm tập trung tại một số đơn vị bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc mua sắm tập trung đã đạt được những mục tiêu như dự kiến. Đó là thu hẹp đầu mối, tiết kiệm, rà soát để đảm bảo định mức sử dụng tài sản của các cơ quan đơn vị nhà nước. Khoản tiết kiệm ban đầu thấy được là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thí điểm này mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ và các địa phương cũng mới chỉ chọn thí điểm mua sắm tập trung ở một số mặt hàng.
Triển khai mua sắm tập trung là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. Ảnh minh họa
Triển khai mua sắm tập trung là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. Ảnh minh họa
Kinh nghiệm các nước cho thấy, áp dụng phương thức này sẽ giảm chi phí khoảng 10 - 17% so với phương thức mua sắm riêng lẻ áp dụng trước đó. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 quy định về việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 hướng dẫn việc triển khai mua sắm tài sản công theo phương thức này.

Việc thực hiện mua sắm tập trung có nhiều ưu điểm so với hình thức mua sắm hiện nay. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thông qua một đơn vị đầu mối để tổ chức đấu thầu rộng rãi nhằm mua sắm tập trung một lượng lớn hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm tương tự ở nhiều cơ quan khác nhau. Vì thế, cơ quan mua sắm tập trung sẽ lựa chọn được các nhà cung cấp với chất lượng, giá thành tốt và hợp lý hơn. Mua sắm tập trung cũng giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí so với tổ chức đấu thầu riêng lẻ. Đặc biệt, các thông tin về mua sắm tập trung sẽ được công khai, đảm bảo tính minh bạch, hạn chế việc chi tiêu mua sắm lãng phí và phòng chống tham nhũng.

Hà Nội tích cực vào cuộc

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động tham mưu UBND TP triển khai việc mua sắm công theo hình thức này. Ông Hà Minh Hải - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, triển khai mua sắm tập trung là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. “Chúng tôi đang tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tham mưu UBND TP trong việc triển khai chủ trương này” - ông Hải thông tin.

Căn cứ các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và Thông tư số 34/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đang tổng hợp tình hình mua sắm tài sản giai đoạn 2011 - 2015 làm cơ sở đề xuất UBND TP ban hành danh mục tài sản thực hiện mua sắm tập trung trên nguyên tắc là tài sản hàng hóa có số lượng lớn, chủng loại phổ biến, đồng bộ, hiện đại (theo hình thức ký thỏa thuận khung). Bên cạnh đó, để triển khai việc mua sắm tập trung căn cứ quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài chính đang đề xuất UBND TP giao đơn vị có chức năng thực hiện việc mua sắm tập trung (trừ thuốc) của TP Hà Nội. Việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài sản, nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý công sản trên địa bàn TP cũng được Sở tích cực chuẩn bị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần