Bảo tàng quá tải, người dân thiếu ý thức
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nằm sát mặt Đại lộ Thăng Long do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là dự án đặc biệt, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 74ha. Trải qua 28 tháng triển khai thi công, bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn 1, chính thức mở cửa đón công chúng vào tham quan từ ngày 1/11.
Với sự đa dạng trong trưng bày cũng như hiện vật, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng dẫn tới tình trạng quá tải vì lượng khách quá đông. Cuối tuần qua, dòng người đông đúc đổ về tham quan bảo tàng gây tắc đường dài hàng cây số dọc tuyến Đại lộ Thăng Long.
Theo thống kê, có thời điểm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có khoảng 25.000 - 30.000 du khách đã đổ về tham quan. Do lượng khách đổ về đông, các khu vực bên trong và ngoài của bảo tàng đều đông nghịt người. Bãi để xe của bảo tàng với sức chứa hơn 1.000 xe cũng chật kín chỗ. Cung đường dẫn về bảo tàng, cổng trước, cổng sau đều tắc cứng.
Không những vậy, phía trong bảo tàng, nhiều du khách không chấp hành nội quy khi tham quan. Thậm chí, những hình ảnh phản cảm như du khách vô tư leo trèo, sờ nắn… làm ảnh hưởng đến các hiện vật được trưng bày gây bức xúc trong dư luận.
Trên mạng xã hội, hình ảnh người dân, trẻ em vô tư trèo lên xe tăng, máy bay, các khẩu súng, pháo... ở cả bên ngoài lẫn bên trong bảo tàng để chụp ảnh dù phía bảo tàng đã có biển báo "Đề nghị quý khách tham quan không leo trèo, viết, vẽ, ký tên lên hiện vật", nhận được nhiều bình luận phẫn nộ. Thậm chí, có cả video clip ghi lại hình ảnh một cô gái cùng một người khác trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để quay phim, chụp ảnh khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Trước thực trạng trên đòi hỏi phải siết chặt công tác quản lý tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để bảo đảm trật tự cũng như an toàn, nguyên vẹn cho các hiện vật. Thậm chí, nhiều ý kiến đưa ra cho rằng, cần có quy hoạch về luồng tuyến cho khách đi tham quan và bảo tàng nên tính toán lại lượng khách tham quan dự kiến để lường trước những sự cố đám đông.
Giải pháp nào?
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là nơi trưng bày những hiện vật vô giá về lịch sử của dân tộc ta, bao gồm nhiều bảo vật quốc gia và khí tài quân sự có giá trị. Vì thế, ý thức của mỗi người cũng sẽ góp phần gìn giữ lịch sử cho những thế hệ tiếp nối mai sau.
Chia sẻ với truyền thông, thượng tá Nguyễn Thành Lê - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: "Một số khách tham quan hiện nay đang hiểu nhầm việc được sờ, chạm hiện vật. Chúng tôi có khu để khách tham quan tương tác và trải nghiệm, còn những hiện vật trưng bày trong và ngoài nhà khuyến nghị khách tham quan không sờ, chạm, tác động làm ảnh hưởng tuổi thọ, bảo quan lâu dài của hiện vật".
Trong khi đó, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, nguyên tắc công chúng đến tham quan các bảo tàng là phải tôn trọng và thực hiện đúng nội quy, quy chế của bảo tàng. Đặc biệt với Thủ đô Hà Nội, người dân cần phải thực hiện theo bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Theo ông Trương Minh Tiến, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới đưa vào hoạt động, là điểm đến hấp dẫn cho công chúng Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Việc mới đưa vào hoạt động trong giai đoạn đầu có quá tải, phản cảm khi một số người vô ý thức leo trèo dù đã có nội quy nhưng do quá tải nên người hướng dẫn, bảo vệ không thể bao quát hết.
"Qua sự việc thấy được nhu cầu của công chúng là rất lớn, nhưng trong đó cũng có một bộ phận người dân ứng xử thiếu văn hóa với hiện vật lịch sử. Vì thế, trước hết các điểm bảo tàng phải có điều chỉnh lượng người vào tham quan phù hợp với thực tế và tuyên truyền Nhân dân thực hiện theo bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng" - ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.
Liên quan đến tình trạng ùn tắc giao thông, chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, đại diện Chỉ huy Đội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội cho biết, những ngày qua, trên tuyến đường Đại Lộ Thăng long có lưu lượng tăng bất thường đoạn qua Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam, nhất là những ngày cuối tuần. Nguyên nhân được xác định là do người dân đến thăm quan bảo tàng. Trước thực tế đó, Đội CSGT số 6 đã tiến hành tăng cường cán bộ, chiến sĩ ứng trực, phân luồng hướng dẫn người dân đi lại. Tuy nhiên, một số thời điểm người dân đổ về quá đông nên xảy ra tình trạng ùn ứ.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành bố trí các tổ công tác phân luồng từ xa, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông để người dân di chuyển qua cũng như tham quan Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam được an toàn, thuận lợi” – Chỉ huy Đội CSGT số 6 thông tin thêm.
Căn cứ tại khoản 6 Điều 20 Văn bản hợp nhất 505/VBHN-BVHTTDL năm 2023 hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo do Bộ VHTT&DL ban hành, sẽ phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật