Giải pháp nào cho hiện tượng "bong bóng" trên thị trường chứng khoán?

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng: Thị trường chứng khoán đang phát triển đáng kể, nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp luật về chứng khoán 

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về mức độ "bong bóng" của thị trường chứng khóan. Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ số nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ "bong bóng" của thị trường chứng khoán, có giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về "bong bóng" trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra, những năm vừa qua, thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng:  thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng:  thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá. Ảnh: quochoi.vn

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) chất vấn về việc mua sắm tài sản công còn nhiều bất cập, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Tài chính và hỏi Bộ trưởng về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng này? 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, việc mua sắm phải đúng định mức, tiêu chuẩn, mức độ do Nhà nước ban hành, nếu trái thì phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, trong Kỳ họp thứ 4 tới sẽ bàn về việc sửa đổi Luật Giá, mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm, tăng cường giúp cho Bộ Tài chính trong quản lý giá để thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay lạm phát tăng nhanh, nước ta nhập khẩu nhiều, giá xăng tăng cao, việc giải ngân gói hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực lạm phát. Bộ trưởng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì cho vấn đề lạm phát này?

Về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo Bộ trưởng, tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Hậu (Đoàn tỉnh Tây Ninh) cho rằng, Bộ trưởng có nêu một nguyên tắc trong điều hành ngân sách là phải bảo đảm sự chủ động, chủ đạo của Trung ương và sự tăng cường sự chủ động của địa phương theo nhiều địa phương.

Theo quy định của Thông tư số 65/2021 của Bộ Tài chính, chỉ dùng chi thường xuyên để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng phải dùng nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, sử dụng chi thường xuyên có quy trình đơn giản, phù hợp với những quy những công trình cải tạo, nâng cấp cấp bách, vốn không lớn. Nếu dùng vốn đầu tư công quy trình phức tạp, lãng phí nhiều công sức, chi phí thời gian ngay cả khi được cho nằm ngay được thực hiện các thủ tục sau: Nếu địa phương nào dựa trên hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cử tri mà dùng truy thường xuyên để cải tạo, nâng cấp công trình nào đó sẽ phải “lách” từ việc tìm cái tên để tránh sự chú ý đến việc chuẩn bị lý lẽ để giải trình với cơ quan kiểm toán. Vậy Bộ trưởng có biết được vướng mắc này không?

Theo Bộ trưởng, có thể sửa Thông tư 65 theo hướng cho phép địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công nhằm vừa giữ kỷ cương trong sử dụng ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí, vừa phát huy sự chủ động, năng động, tính chịu trách nhiệm của địa phương trong điều hành linh hoạt ngân sách, sử dụng có hiệu quả nhất những đồng vốn quý giá của quốc gia?

Giải trình ý kiến của đại biểu Trần Văn Hậu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tranh luận của đại biểu về cải tạo trụ sở làm việc là rất đúng và xác đáng, việc sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc hư hỏng là rất cần thiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: "Hiện nay đang “vấp” phải pháp luật cho nên không thể làm cách khác được."

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, Thông tư của Bộ Tài chính không thể thay thế được Nghị định và Luật. Trong Luật Xây dựng đã quy định khi sửa chữa nhà phải lập dự án, trong Luật Đầu tư công quy định khi sửa chữa nhà hay các công trình phải đưa vào đầu tư công, từ vốn chuẩn bị đầu tư đến hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng,… đều đưa vào Luật Đầu tư công.

Trước đây còn quy định quỹ của các đơn vị sự nghiệp vào Luật đầu tư công, sau này nhiều ý kiến thì giao cho cơ quan chủ quản quyết định. Tức là ở tỉnh thì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, nếu là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ thì giao cho Bộ trưởng. Nếu tại Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất không thực hiện Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng vào điểm này và bố trí vào chi thường xuyên thì Bộ Tài chính sẽ rất ủng hộ. Do đó, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu.