Giải pháp nào để người nông dân không còn gặp cảnh “được mùa, mất giá”?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển cây trồng, vật nuôi thiếu quy hoạch, không theo tín hiệu thị trường mang đến nhiều hệ luỵ khi cung vượt quá cầu. Người nông dân gánh chịu hậu quả do nông sản rớt giá, thậm chí không thể tiêu thụ.

Nhiều địa phương không xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực

Thời gian qua, tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, người dân ồ ạt trồng cây sầu riêng dẫn đến hiện tượng phát triển “nóng” và nguy cơ cung vượt cầu đang hiện hữu. Đó là chưa kể việc người nông dân mở rộng diện tích trồng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…

Thực tế trên cho thấy một vấn đề đang tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay, đó là việc phát triển những vùng canh tác hết sức tuỳ tiện. Chính quyền nhiều địa phương mới chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo, chưa có giải pháp phù hợp, định hướng cụ thể cho người dân trong việc chuyển đổi sản xuất trên từng loại cây trồng.

Trái sầu riêng đang có hiện tượng phát triển "nóng" tại nhiều tỉnh, TP phía Nam.
Trái sầu riêng đang có hiện tượng phát triển "nóng" tại nhiều tỉnh, TP phía Nam.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, việc tăng diện tích trồng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, tiêu thụ khó khăn, dư thừa, dội chợ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp không thể chạy theo số lượng bằng việc tăng quy mô, diện tích đơn thuần mà phải theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, không ít địa phương vẫn chưa có kế hoạch, chưa xác định được rõ ràng đâu là cây trồng, vật nuôi chủ lực…

Tại một số địa phương, việc quy hoạch nông nghiệp đã được quan tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế nhất định. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong những năm qua, Sở đã tham mưu, xây dựng nhiều quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch này đều cần thiết để làm định hướng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch thì các nội dung quy hoạch chuyên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đều là thành phần trong phương án quy hoạch và được nghiên cứu khi lập quy hoạch Thủ đô. Chính vì vậy hiện nay, các phương án quy hoạch của ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn chưa được triển khai.

Sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường

Bên cạnh quy hoạch, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thông tin nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, cho rằng để phát triển một ngành hàng nông sản cần quan tâm đến yếu tố thị trường. Thay vì chỉ dừng ở mức độ cảnh báo, khuyến cáo những hệ quả khi tăng diện tích, các ngành chức năng nên tìm cách để giúp người dân nắm bắt được thông tin thị trường, những quy định cần thiết khi muốn xuất khẩu nông sản đi các nước…

Khi có được thông tin, người nông dân sẽ chủ động điều chỉnh hoặc cân nhắc trong sản xuất, từng bước từ bỏ kiểu sản xuất theo thói quen, chạy theo giá; đồng thời có kế hoạch rõ ràng cho việc điều chỉnh quy mô, diện tích sản xuất, hạn chế được tình trạng cung vượt cầu.

Chuẩn hoá sản xuất trên cơ sở tín hiệu thị trường là đòi hỏi cấp thiết để phát triển ngành hàng nông sản bền vững.
Chuẩn hoá sản xuất trên cơ sở tín hiệu thị trường là đòi hỏi cấp thiết để phát triển ngành hàng nông sản bền vững.

Ở khía cạnh liên quan, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hoà cho rằng, bản thân người sản xuất phải chú trọng nghiên cứu thị trường; đặc biệt là thời điểm tiêu thụ, mùa vụ, chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, phân khúc thị trường...

Người nông dân cũng cần phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường. Nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn thực phẩm, phải có nhãn hiệu, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới mong tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Chia sẻ thêm về vấn đề thông tin thị trường, ông Đỗ Hồng Quân - nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết nhiều nước có số liệu nông nghiệp cụ thể nhằm định hướng cho người dân và quy hoạch rõ ràng cho phát triển nông nghiệp. Điển hình như Trung Quốc, hiện có dữ liệu nông sản rất chi tiết, kịp thời từ diện tích, nhà ai trồng, trồng như thế nào, trồng thêm bao nhiêu…

“Thông tin này tự động update lên cấp huyện, cấp Trung ương. Mỗi cấp đều có chuyên gia phân tích dữ liệu kịp thời để đưa ra kế hoạch sản xuất cụ thể.  Chẳng hạn như qua dữ liệu và phân tích thị trường, nước này nhận thấy cần mở rộng 1 triệu héc-ta xoài trong một năm thì cán bộ ngành mở mạng ra thấy thiếu bao nhiêu, cần mở rộng thêm bao nhiêu sẽ thông báo lên hệ thống…” - ông Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm.

Theo nhận định của một số chuyên gia, Việt Nam đang yếu về vấn đề thông tin thị trường. Việc điều tra số liệu chủ yếu theo hình thức truyền thống, mất rất nhiều thời gian. Thậm chí khi có số liệu thì số liệu đó đã cũ. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần thay đổi trong việc điều tra số liệu. Đi liền với đó, Nhà nước cần quan tâm đến việc phủ mạng internet đến được vùng sâu, vùng xa để việc cập nhật số liệu được nhanh chóng.