Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nào để sàn giao dịch vượt khó trong đại dịch Covid-19?

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/8, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam phối hợp với Hội truyền thông Hà Nội, tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sàn giao dịch & môi giới BĐS vượt khó do ảnh hưởng Covid-19: Giải pháp & Kiến nghị”.

Áp lực bủa vây
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, kể từ đợt dịch đầu tiên diễn ra, thị trường BĐS ngay lập tức hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng. Hàng nghìn nhà môi giới BĐS rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Chưa dừng lại, khó khăn về kinh tế, Covid-19 kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, hàng trăm đơn vị môi giới BĐS. “Đặc biệt là trong đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra - đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế, thị trường BĐS nói chung và các sàn giao dịch, nhà môi giới BĐS nói riêng” - ông Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.
Tổng Giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đã bước sang tháng thứ 3 làm DN buộc phải chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% trở lên,. Trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động bị giảm sâu, DN đạt được 50% kế hoạch đề ra không đơn giản.
Các chuyên gia và DN đã chia sẻ những khó khăn và đưa ra giải pháp giúp DN đầu tư, kinh doanh BĐS vượt khó trong giai đoạn dịch Covid-19.
Nhiều DN BĐS đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, nhưng chỉ phù hợp với thương hiệu lớn, uy tín. Thói quen giao dịch truyền thống, yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản chưa mang lại hiệu quả cao cho hình thức giao dịch mới này; Giá cả VLXD leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường. Chính vì vậy sau khi dịch bệnh qua đi, việc tìm kiếm nhân công lao động là vấn đề lớn của nhà thầu xây dựng.
Áp lực về đồng tiền, khả năng trả nợ vay, do hầu hết chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và hình thức huy động tài chính khác, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính vô cùng lớn, rủi ro cao; Áp lực về chi phí duy trì hoạt động, nhiều DN phải cắt giảm nhân sự, giảm lương từ 20 - 30%. Trong khi, nguồn lực dự phòng cho hoạt động phục hồi bị cạn kiệt sau gần 2 năm dịch bệnh, hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS luôn đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Bên cạnh đó, những khó khăn về pháp lý dự án vẫn tiếp tục kéo dài. Đây là nguyên nhân gây ách tắc nguồn lực đầu tư của DN kéo dài nhiều năm qua, dẫn đến việc triển khai dự án BĐS tốn kém gấp 2 - 3 thời gian, nguồn lực so với kỳ vọng, gây lãng phí nguồn lực rất lớn, tác động lên chi phí đầu vào làm gia tăng giá thành sản phẩm.
“Nhà đầu tư vẫn quan tâm BĐS, tuy nhiên tỉ lệ quan tâm giảm xuống do tâm lý thận trọng, chờ tâm dịch qua đi. Ngoài yếu tố an toàn về sức khỏe, công ăn việc làm, thu nhập giảm cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của khách hàng trong giai đoạn này” - bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay.
Giải pháp về công nghệ
Theo Phó Chủ tịch CEN Group Phạm Thanh Hưng, Cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi mọi hoạt động trong cuộc sống, BĐS không nằm ngoài xu thế này. Chưa bao giờ ứng dụng mua sắm online lại phát triển mạnh như thời gian qua. Những buổi mở bán online trong BĐS trở nên quen thuộc, thu được nhiều kết quả vượt trội so với nhiều năm trước. Tác động tiêu cực của Covid-19, khiến cho tiến độ ứng ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng được cộng đồng DN đẩy nhanh hơn bình thường, đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu để DN tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
“Khách hàng Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin, trở thành nhà đầu tư, tiêu dùng thông minh hơn. Biết phân tích đánh giá, đưa ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Bởi vậy, những nhà phát triển dự án hay đầu tư kinh doanh BĐS cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, hành vi khách hàng” - ông Phạm Thanh Hưng chia sẻ.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS đang bị ngưng trệ do giãn cách xã hội.
Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm cho rằng, DN đầu tư, kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay, do không thuộc doanh nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine trong thời gian qua, hầu hết DN còn ít nhất 50 % nhân sự chưa được tiêm; Doanh thu giảm hoặc không có, trong khi chi phí thuê mặt bằng văn phòng vẫn phải trả hàng tháng mặc dù đang giãn cách. Những chi phí khác vẫn phải duy trì, như: Mặt bằng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế... dẫn đến khó khăn về tài chính; DN điều chỉnh chính sách để tồn tại, nhưng việc kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ nhân viên không có thu nhập, rời bỏ công ty...
“Đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN (giảm 70 % trong năm 2021) thuế thu nhập cá nhân (giảm 50 % trong 3 quý cuối năm 2021), hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại. Đồng thời, đẩy mạnh quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp và cộng đồng DN” - ông Phạm Lâm kiến nghị.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN BĐS. Nhưng các chuyên gia đều cho rằng cộng đồng DN, đặc biệt là sàn giao dịch BĐS đã thích ứng với việc này, chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược, khả năng của người lãnh đạo trong việc điều hành. Sau mỗi đợt khủng hoảng, sẽ có rất nhiều sàn đóng cửa và mở mới, dịch bệnh được xem như sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh, minh bạch hơn.