Giải pháp nào ngăn mối hiểm họa động đất tại Việt Nam?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh, nhưng Việt Nam vẫn tiềm ẩn mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất liên tiếp xảy ra thời gian qua tập trung tại khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên khiến người dân nhiều địa phương phải cảm thấy lo lắng, nhất là tại các khu vực đô thị với số lượng dân cư sinh sống và nhà ở cao tầng mất độ lớn như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

10 năm xảy ra hơn 400 trận động đất
Trong 2 ngày 27 - 28/7/2020, tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã xảy ra liên tiếp 7 vụ động đất và dư chấn động đất, với cường độ dao động từ 2,6 - 5,3. Trong đó, vụ động đất vào trưa 27/7/2020 được xem là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sự cố đã khiến 303 nhà dân và nhiều công trình hạ tầng như: Trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở UBND xã… bị hư hỏng.
Chuỗi trận động đất xảy ra tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) khiến hàng trăm nhà dân bị hư hỏng.
Chuỗi động đất xảy ra tại huyện Mộc Châu được xem là trận động đất mạnh nhất trong nhiều năm qua tại Việt Nam. Tâm chấn của trận động đất có độ lớn 5,3 này thậm chí đã lan truyền và gây rung lắc ở các tòa nhà cao tầng tại Thủ đô Hà Nội.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài cho biết, ảnh hưởng của động đất sẽ đặc biệt đáng lo ngại nếu xảy ra tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Sở dĩ vậy là bởi các đô thị lớn có mật cư dân cư đông đúc, hệ thống nhà cao tầng lớn. Đặc biệt là có nhiều chung cư, khu tập thể đã xuống cấp, rất nhạy cảm với những rung chấn từ động đất.
Cũng theo thống kê trong 10 năm qua của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), cả nước đã ghi nhận hơn 400 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam, hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam. Độ lớn của các trận động đất dao động trong khoảng 2,5 - 6,1.
Trong tổng số 126 trận động đất được ghi nhận từ năm 2020 đến nay, có 15 trận động đất có độ lớn từ 3,5 trở lên; 12/15 trận động đất này xảy ra tại khu vực Tây Bắc. Gần đây chuỗi động đất tiếp tục xuất hiện tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam.
Căn nguyên của động đất
Dù động đất là dạng thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề trên thế giới, tuy nhiên, theo TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, hiện nay, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng các nhà khoa học mới chỉ dự báo được vùng phát sinh động đất mạnh và vẫn chưa thể dự báo được thời điểm chính xác khi nào xảy ra động đất. Chỉ khi động đất xảy ra, cơ quan chuyên môn mới thu thập được dữ liệu để truyền tin.
“Không chỉ Việt Nam, hầu hết các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, nơi thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất (điển hình như Nhật Bản) cũng chưa thể dự báo được loại hình thiên tai này. Dù vậy, cơ chế truyền tin của Nhật Bản là rất tiên tiến và Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng vào thực tiễn ứng phó…” - TS Nguyễn Xuân Anh thông tin thêm.
Động đất là loại hình thiên tai khó dự báo, ngay cả đối với các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản. Trong ảnh: Động đất gây thiệt hại tại tỉnh Cao Bằng. 

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, động đất là hình thái thiên tai diễn ra có chu kỳ lặp lại. Tuy nhiên, chu kỳ xảy ra động đất mạnh thường kéo dài hơn so với phần lớn các loại hình thiên tai khác. Không giống như bão lũ - những loại hình thiên tai có thể xảy ra hàng năm. Thời gian tích lũy năng lượng gây ra động đất, đặc biệt những trận lớn ở một khu vực có thể kéo dài 50, 100 năm, thậm chí là dài hơn.
Ngoài hoạt động kiến tạo gây động đất tự nhiên, hoạt động của con người như xây dựng hồ chứa thủy điện, thủy lợi, khai thác hầm mỏ cũng có thể gây ra động đất kích thích. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn kéo dài cũng được đánh giá là có ảnh hưởng đến hoạt động động đất ở một khu vực. Những trận động đất kích thích liên tiếp được ghi nhận từ năm 2012 đến nay, mà gần đây nhất xảy ra hồi giữa tháng 6/2021, khi tổ chức thi công đập thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) được xem là minh chứng rõ nét nhất.
Kinh nghiệm ứng phó quốc tế
Thực tế hiện nay, việc dự báo trước động đất là việc chưa thể làm được; ngay cả tại các quốc gia thường xuyên hứng chịu loại hình thiên tai này như Nhật Bản. Dù vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với động đất của các nước tiên tiến.
Nhiều quốc gia hiện đã xây dựng mô hình “Công viên thiên tai”. Ở đó, họ mô phỏng diễn biến động đất và thiệt hại có thể xảy ra để tuyên truyền, phổ biến kiến thức một cách trực quan, sinh động đến cộng đồng. Nhật Bản đã xây dựng hệ thống báo tin và cảnh báo động đất cho phép xử lý và gửi thông tin với tộc độ cao đến cộng đồng.
Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập ứng phó với động đất được nhiều quốc gia tổ chức thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao. Trong khi tại Việt Nam, các cuộc diễn tập vẫn tập trung nhiều cho công tác ứng phó với nguy cơ mưa lớn, lũ lụt.
Một giải pháp khác cũng đã được thực hiện tại nhiều quốc gia là việc tích hợp xây dựng và quy hoạch cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai nói chung và động đất nói riêng. “Tại Việt Nam, giải pháp này cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế tại nhiều địa phương thì còn nhiều hạn chế….” - ông Trần Quang Hoài cho biết thêm.
Sớm phân vùng rủi ro thiên tai
Đối với nhiệm vụ phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do động đất, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó và phối hợp đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Tại Việt Nam, nguy cơ động đất ở mỗi địa phương cũng rất khác nhau, do đó tùy vào tình hình và điều kiện cụ thể, UBND các tỉnh, TP cần xây dựng các giải pháp phù hợp.
Tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với động đất cần được quan tâm nhiều hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra loại hình thiên tai này.
Để chủ động ứng phó với động đất, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là tại khu vực Tây Bắc - nơi có nguy cơ cao về việc chủ động ứng phó với động đất. Tiếp tục phát triển hệ thống mạng lưới quan trắc; từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý, truyền tin và cảnh báo động đất.  
Liên quan đến hệ thống quan trắc, hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn duy trì 40 đài, trạm địa chấn, theo dõi liên tục khả năng ảnh hưởng của hai loại hình thiên tai trên. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, kiến nghị cần sớm triển khai dự án phân vùng rủi ro thiên tai đối với động đất, sóng thần. Đây là nội dung đã được đề cập trong Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.
Thực tế thời gian qua, các bộ ngành đã vào cuộc rốt ráo triển khai quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, việc phân vùng mới tập trung cho các loại hình thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. “Việc sớm hoàn thành phân vùng rủi ro và lập bản đồ cảnh báo động đất sẽ là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao chất lượng báo tin và dự báo. Từ đó giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra của loại hình thiên tai này…” - TS Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Cùng với ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng dân sinh, những trận động đất còn có nguy cơ tác động lớn đến hệ thống hồ chứa. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 429 hồ chứa thủy điện và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi. Một số hồ chứa thủy điện lớn như: Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La đều nằm ở vùng Tây Bắc - khu vực được đánh giá là có nguy cơ động đất lớn nhất cả nước.

Trước diễn biến động đất ngày một phức tạp tại khu vực Tây Bắc, nơi có nhiều hồ chứa trọng điểm về cung cấp điện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ thuê các chuyên gia đầu ngành để có đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng phương án chủ động phòng chống nguy cơ động đất có thể ảnh hưởng đến an toàn của hồ chứa thủy điện.
Theo các chuyên gia về vật lý địa cầu, những đô thị lớn có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của động đất. Riêng khu vực TP Hà Nội, nguy cơ động đất cấp VII - VIII theo thang MSK-64 (thang đo địa chấn diện rộng với 12 cấp) là hoàn toàn có thể xảy ra. Bắt đầu từ cấp VIII, động đất sẽ gây thiệt hại về người và tài sản. Chính vì vậy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Hà Nội cần nghiên cứu, lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm động đất; xây dựng kịch bản ứng phó với khả năng và cấp độ động đất có thể xảy ra. Đồng thời, tiếp tục rà soát các khu tập thể, chung cư cũ có năng lực chống chịu động đất kém để sớm có kế hoạch cải tạo.