Giải pháp quản lý cá ngừ đại dương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ NN và PTNT vừa ban hành Quyết định số 3562/QĐ-BNN-TCTS về việc Ban hành kế hoạch quản lý nghề cá ngừ đại dương ở Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu chung hướng tới là nghề cá khai thác cá ngừ đại dương được quản lý phù hợp chuẩn mực quốc tế thông qua áp dụng các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi để phát triển bền vững nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, các qui định và thể chế quản lý nguồn lợi cá ngừ được xây dựng phù hợp luật Thủy sản và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc hướng tới; Hệ thống giám sát tàu khai thác cá ngừ đại dương (VMS) trên vùng biển Việt Nam được thiết lập và đưa vào sử dụng. Sản lượng lên bến của cá ngừ đại dương tại các điểm lên cá được thống kê đảm bảo truy suất nguồn gốc. Hệ thống nhật ký khai thác được củng cố và vận hành ổn định.

Điều tra khoa học về nguồn lợi cá ngừ được vào kế hoạch thực hiện hàng năm phục vụ việc đánh giá nguồn lợi và quản lý hoạt động khai thác. Cơ cấu đội tàu khai thác được kiểm soát và báo cáo cập nhật hàng tháng. Thiết lập và đưa vào hoạt động Tổ chức tư vấn quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam.

Giai đoạn 2020-2030, thực thi giám sát hiệu quả hoạt động khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc thu thập và phân tích số liệu được cải thiện và duy trì để phục vụ tốt cho việc ra quyết định khai thác quản lý và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ đại dương. Nguồn lợi cá ngừ được giữ ở mức bền vững dựa trên các dữ liệu khoa học về sinh học, môi trường, kinh tế xã hội tốt nhất. Cá ngừ và sản phẩm cá ngừ được cấp giấy chứng nhận nhãn sinh thái của Hội đồng quản lý biển quốc tế (MSC).

Để đạt các mục tiêu, cần đề ra một số nhóm giải pháp cơ bản: Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của các Nghị định liên quan đến quản lý khai thác, bảo vệ, sử dụng và thương mại thủy sản; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) rà soát, điều chỉnh hoạt động thống kê thủy sản đáp ứng tốt việc quản lý nghề cá.

Hình thành các tổ chức tư vấn cho quản lý nguồn lợi và nghề cá theo loài, nhóm loài, nghề, vùng biển; Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thủy sản và hỗ trợ các hội, hiệp hội tham gia có hiệu quả vào quá trình quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương; Thiết lập cơ chế kiểm tra, kiểm soát, thu thập sản lượng cá ngừ lên bến nhằm chống lại hành động đánh bắt bất hợp pháp; Xây dựng cơ chế hợp tác trong kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác cá ngừ đại dương trên biển đảm bảo an toàn, đúng pháp luật với các lực lượng chức năng khác.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương dựa vào quyền khai thác để tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động quản lý.

Phối hợp với các tổ chức quốc tế WCPFC, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Ủy ban nghề cá Châu Á – Thái Bình Dương (APFIC), Trung tâm Phát triển nghề cá Đông nam Á (SEAPDEC) để nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương ở Việt Nam.... 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần