Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp ứng phó của doanh nghiệp HANOIBA trong dịch Covid-19

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 9/4 Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức chương trình chia sẻ trực tuyến "Giải pháp ứng phó của doanh nghiệp thời Covid-19", với sự tham gia của các thành viên Ban chấp hành HANOIBA và đại diện từ phía ngân hàng.

Dự kiến, cuộc họp Ban chấp hành Quý I/2020 sẽ được tổ chức vào ngày 9/4/2020. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm ứng phó nhanh với tình hình mới đồng thời để đảm bảo an toàn, tránh việc lây lan trên diện rộng, HANOIBA đã thay bằng bằng buổi chia sẻ online "Giải pháp ứng phó của doanh nghiệp thời Covid-19".

Để tăng hiệu quả, trước khi vào phiên chính thức, các thành viên được chia vào 3 nhóm thảo luận (phân theo ngành nghề), do đại diện Thường trực Hội điều phối. Sau đó các ý kiến được tổng hợp và đưa ra thảo luận những vấn đề chung nhất tại phiên tổng thể do Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội Lê Phụng Thắng chủ trì.

 Quang cảnh chương trình chia sẻ trực tuyến ''Giải pháp ứng phó của doanh nghiệp thời Covid-19'' của HANOIBA
Luôn sẵn sàng các kịch bản
Theo bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch HANOIBA (đại diện nhóm 1 gồm các ngành: Xây dựng - Vật liệu xây dựng; Điện - Điện tử; Dược - Mỹ phẩm - Hóa chất), hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn: Tài chính - Nhân sự - Vận hành bộ máy.
Về tài chính, bà Ngọc cho biết, qua trao đổi, các doanh nghiệp HANOIBA chia thành 2 loại. Thứ nhất là "khổ quen rồi", nhóm này đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, họ sẽ tiếp tục sử dụng những kinh nghiệm đã có để vượt qua giai đoạn này. Nhóm thứ 2 là những doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nặng nề hoặc trực tiếp trong giai đoạn đã qua. Tuy nhiên cả 2 nhóm trên đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, đây là câu chuyện liên quan đến ngân hàng.
"Chủ trương lớn đã có, nhưng các doanh nghiệp phản ánh ngân hàng chưa đưa ra được hướng dẫn cụ thể, những đánh giá ảnh hưởng đến doanh nghiệp còn đang rất chậm", Phó Chủ tịch HANOIBA cho biết; Đồng thời mong muốn HANOIBA thể hiện vai trò 1 kênh cùng doanh nghiệp, tương tác hiệu quả về những quy trình với ngân hàng, để làm sao có được chính sách tốt nhất cho các doanh nghiệp hội viên của mình.
 Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch HANOIBA 
Bà Ngọc thông tin thêm, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang chủ động cắt giảm tối đa các chi phí cố định. Doanh nghiệp nào có thể "ngủ đông" được thì nên "ngủ đông". Kịch bản ứng phó hiện thay đổi từng tuần, thậm chí từng ngày.
Đối với nhân sự, Phó Chủ tịch HANOIBA khuyến cáo nên đưa ra 3 cấp độ. Cấp độ 1 là phần nhân sự "giữ bằng mọi giá", phần nên giữ và phần bắt buộc phải giảm. Về giải pháp cho vấn đề này, bà Ngọc chia sẻ nên sử dụng các dịch vụ Outsource (thuê ngoài).
"Kể cả với phần nhân sự giữ lại chúng ta cũng phải đưa ra 3 kịch bản với các chính sách và mức lương khác nhau, bởi dịch bệnh không biết thế nào mà lường trước được. Câu chuyện ở đây là chúng ta phải thành thực và chia sẻ với nhau tất cả những kịch bản", bà Ngọc nói.
 Ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch HANOIBA - Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services Corp
Nguy cơ phá sản là hiện hữu
Đồng tình với nhận định doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến tài chính, ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch HANOIBA - Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services Corp (đại diện nhóm 2, gồm các ngành: Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn; Công nghệ thông tin - Bưu chính, viễn thông; Thương mại - Xuất nhập khẩu; Giao nhận - Vận tải; Ngân hàng) thông tin thêm: Một nhóm đang rất khủng hoảng về vấn đề doanh thu, đặc biệt là ngành du lịch, một nhóm doanh thu vẫn ổn định và duy trì, nhưng gặp vấn đề về kiểm soát dòng tiền và thu hồi công nợ.
"Nguy cơ phá sản là hiện hữu nếu dịch bệnh vẫn kéo dài. Vấn đề làm sao chúng ta thu hồi công nợ", ông Nam nói.
Theo Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea, giải pháp là chúng ta phải xem xét khả năng trả nợ, đánh giá khả năng thanh khoản của khách hàng để đưa ra quyết định lựa chọn đối tác cho phù hợp. Đồng thời cắt giảm những chi phí không cần thiết, đàm phán với đối tác về mặt bằng, các nhà cung ứng, chuyển đổi vận hành doanh nghiệp từ offline sang online. Với HANOIBA, ông Nam lưu ý hiện có 1 nhóm doanh nghiệp hội viên sẵn sàng tập hợp để đưa ra gói hỗ trợ chuyển đổi vận hành online như MISA, FSI, VMCG, BPO Mắt Bão...
Nhận định về việc cắt giảm nhân sự hiện nay, Phó Chủ tịch HANOIBA đánh giá đó là hành động cần thiết, cấp bách để thích ứng, tuy nhiên cũng phải cân nhắc đến nguy cơ mất nhân sự giỏi, tinh thần làm việc của công ty sẽ đi xuống. Giải pháp cho vấn đề này, doanh nghiệp có thể cho thuê nhân sự làm việc online; có những chính sách "Warm Up" động viên về mặt tinh thần cho nhân viên.
Về các gói kích cầu, ông Trần Đăng Nam lưu ý, với những doanh nghiệp du lịch hay khách sạn, họ không có doanh thu, không có đầu vào. Như vậy nếu chúng ta có những gói kích cầu về mặt tín dụng, thì họ cũng không thể cầm cự lâu dài được. Từ nhận định trên, ông Nam nhấn mạnh đến suy nghĩ về chuyển dịch mô hình kinh doanh hay cơ cấu lại doanh nghiệp.
 Ông Nguyễn Phúc Long - Phó Chủ tịch HANOIBA - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long
Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp
Trong rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Phúc Long - Phó Chủ tịch HANOIBA - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (đại diện nhóm 3, gồm các ngành: Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán - Bảo hiểm; Bất động sản;Khu công nghiệp - Khu chế xuất; Truyền thông - Sự kiện) lại nhìn thấy "cơ hội".
Theo ông Long, bối cảnh này buộc doanh nghiệp về cơ bản tập trung các giải pháp liên quan đến tái cấu trúc. Đây cũng là cơ hội, là thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp. Trong đó tập trung rà soát, cắt giảm các chi phí đầu vào, đàm phán lại với các đối tác về giá thành. Tìm kiếm giải pháp bán hàng, tăng cường công cụ kinh doanh online, và tăng cường hoạt động kết nối đối với các diễn đàn xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
"Về quản trị nhân sự, dịp này là cơ hội tìm kiếm nhân sự tốt", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long nói; đồng thời khuyên các doanh nghiệp tích lũy về tiền mặt để đầu tư khi có cơ hội.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, ông Nguyễn Phúc Long đánh giá vẫn có cơ hội trong ngắn hạn.
"Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội ở thị trường bất động sản vì bây giờ đang là thời cơ giá rẻ", ông Long cho biết thêm.
Về hoạt động của Hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Long mong muốn thúc đẩy giao thương nội khối. Hội viên tăng cường sử dụng dịch vụ lẫn nhau trong quan điểm đảm bảo giá cả, chất lượng phục vụ. Đây cũng là cách cùng nhau vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Sẵn sàng hỗ trợ hội viên

Sau khi nghe tất cả các ý kiến đóng góp, Chủ tịch HANOIBA Lê Phụng Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thương mại CITICOM nêu bật những giải pháp mà Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã, đang và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hội viên.

 Chủ tịch HANOIBA Lê Phụng Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thương mại CITICOM

Theo đó, HANOIBA sẽ tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên, xây dựng một bản kiến nghị chung về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, và thông qua Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ gửi tới các cơ quan chuyên môn như Thuế, Bảo hiểm, Hải quan…của TP Hà Nội cũng như Chính phủ.

Chủ tịch HANOIBA hiện với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho biết thêm, thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò tham vấn chính sách với Chính phủ. Hiện nhiều chính sách do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị đã được Chính phủ ghi nhận và sắp được thực thi.

Về nội bộ, HANOIBA thúc đẩy chia sẻ, tư vấn giúp nhau quản trị khủng hoảng trong chính các hội viên theo hình thức 1:1. Các doanh nghiệp lớn giúp doanh nghiệp nhỏ, Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng giúp đỡ các doanh nghiệp ít kinh nghiệm hơn hoặc các doanh nghiệp có cùng mô hình kinh doanh.

Bên cạnh đó, tăng cường giao thương nội khối, khuyến khích hội viên sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp khác trong hội. Sử dụng các kênh truyền thông online của hội để truyền thông tới các doanh nghiệp trong hội về nhu cầu giao thương.

Tiếp đến, Hội hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý và vận hành doanh nghiệp. HANOIBA sẽ thiết lập nhóm các doanh nghiệp công nghệ để xây dựng các gói giải pháp phù hợp với quy mô của từng doanh nghiệp, bao gồm hạ tầng, đào tạo quả lý vận hành thậm chí thuê ngoài để chuyển dần hình thức làm việc tập trung (offline) sang hình thức làm việc trực tuyến (online), giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và vẫn đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt

Cuối cùng, Hội tăng cường chia sẻ chuyên môn, đào tạo nâng cao năng lực cho hoanh nghiệp. Hội sẽ nghiên cứu và làm việc với các đơn vị đào tạo có uy tín để xây dựng khóa đào tạo e-learning về các biện pháp xử lý khủng hoảng doanh nghiệp.

Riêng với các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội), ngay từ khi bắt đầu dịch bệnh, HANOIBA đã ủng hộ 50 triệu đồng, đồng hành cùng các cơ quan chức năng mua khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn, phát miễn phí cho người dân trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ nông dân Gia Lai tiêu thụ gần 30 tấn dưa hấu. Các câu lạc bộ trực trực thuộc Hội cũng có nhiều hoạt đông thiện nguyện như CLB Doanh nghiệp trẻ Mê Linh tặng quà ủng hộ huyện Mê Linh phòng chống dịch, CLB WEST 6536 phát cơm miễn phí cho người dân…

Cùng với các hoạt động tập trung hỗ trợ nội lực cho doanh nghiệp hội viên, các thành viên tham dự họp cũng thống nhất Hội sẽ tham gia các hoạt động trách nhiệm xã hội trong khả năng có thể để chung tay với cộng đồng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa doanh nghiệp vào ổn định.