Giải quyết bất đồng qua đối thoại, đảm bảo lợi ích chung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được tổ chức trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Hội...

Kinhtedothi - Được tổ chức trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin

Với chủ đề "Tăng cường đối thoại, lòng tin và phối hợp hành động vì một châu Á hòa bình, ổn định và hợp tác", các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển chung, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực; đề cao các quy chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ); giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển. Nhất trí với quan điểm mà CICA đưa ra, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia ở châu Á giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, hợp tác trên cơ sở những lợi ích chung của toàn châu lục và thế giới.

 
Phó Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao về CICA.
Phó Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao về CICA.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi các nước châu Á cùng nhau thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác nhằm thực hiện nguyện vọng chung của nhân dân châu Á là hòa bình, ổn định và phát triển. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh CICA nêu rõ, phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các nước khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn các bất đồng và tranh chấp hiện nay ở khu vực được giải quyết theo tinh thần trên. Về vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch nước khẳng định thiện chí của Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hành động khiêu khích đe dọa tương lai châu Á

Tại Nhật Bản, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 20 do Tập đoàn truyền thông Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản tổ chức đã chính thức khai mạc hôm 22/5 tại thủ đô Tokyo với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo và học giả các nước trong đó có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam...

Với chủ đề: "Châu Á cất cánh - Thông điệp cho 20 năm tới", các diễn giả đã tập trung thảo luận về tình hình căng thẳng ở Đông Á cũng như những biện pháp thúc đẩy sự phát triển của châu Á. Đề cập đến những căng thẳng gần đây tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ quan ngại các hành động và sự cố mang tính khiêu khích có thể dẫn đến xung đột, đe dọa tương lai của châu Á trong 20 năm tới. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, liên kết kinh tế sẽ là chủ đề quan trọng của châu Á nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ không thể bền vững nếu thiếu sự bảo đảm về an ninh. Do đó, các tranh chấp về lãnh thổ và tài nguyên bao gồm cả tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao dựa trên luật pháp quốc tế chứ không phải bằng sức mạnh quân sự và kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần