Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh:

Giải quyết biên chế ngành giáo dục sát thực tiễn hơn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Đề nghị sớm có giải pháp giải quyết căn bản về biên chế viên chức giáo dục và ký hợp đồng vị trí việc làm viên chức giáo viên. Hà Nội có biên chế viên chức giáo viên theo định mức còn thiếu 7.134 chưa được bổ sung"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 của ngành nội vụ sáng nay, 12/1, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đại diện lãnh đạo TP Hà Nội đã phát biểu về việc đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc TP Hà Nội.

Tổ chức thực hiện khoa học, sáng tạo

Theo Chủ tịch UBND TP, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII đã mở ra nhiều thuận lợi cho các địa phương triển khai, trong đó có Hà Nội. TP triển khai có hiệu quả đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, chủ trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư và tập trung triển khai các giải pháp tại Nghị quyết 19-NQ/TW, đạt nhiều kết quả khả quan.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay Hà Nội sắp xếp giảm 280/2.780 ĐVSNCL so với năm 2015 (tỷ lệ 10,1%); giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người làm việc tại các vị trí việc làm (VTVL) dùng chung và VTVL chuyên môn cần tinh gọn; nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn. TP đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, đồng bộ, đúng quy định; sáng tạo trong quá trình thực hiện, với nhiều cách làm hay được T.Ư ghi nhận.

Năm 2021, Hà Nội tiếp tục xem xét các nội dung sắp xếp ĐVSN có tính chất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn; quan điểm chủ đạo của TP đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện ở những nơi có hiệu quả... Một số nội dung xác định tính cấp thiết như sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp nghề, cơ sở bảo trợ xã hội được TP chủ động làm sớm, xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH mà không chờ hướng dẫn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu TP Hà Hội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu TP Hà Hội

Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND TP cho hay, thực hiện chỉ tiêu tinh giản, theo đó yêu cầu giảm 12.890 biên chế giai đoạn 2016-2021, mỗi năm giảm 3.692 biên chế/năm là một áp lực lớn với Thủ đô, tuy nhiên nhiều bằng nhiều giải pháp, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu. Sau sắp xếp ĐVSN, TP nhanh chóng phê duyệt VTVL, chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy trình giải quyết công việc. Nâng cao chất lượng đánh giá viên chức, TP quy định thống nhất biểu mẫu và quy trình đánh giá tháng đối với viên chức trong cả hệ thống sau khi tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện; kiên quyết giải quyết nghỉ tinh giản hoặc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức không làm được việc, có phẩm chất và thái độ không phù hợp. TP cũng chỉ đạo có lộ trình giải quyết dứt điểm hợp đồng chuyên môn tại ĐVSN chưa tự chủ, công tác tuyển dụng được phân cấp triệt để nhằm tăng quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho ĐVSNCL, chất lượng đội ngũ viên chức ngày một nâng lên.

Đặc biệt, thực hiện đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa ĐVSNCL, đến nay Hà Nội đã chuyển 199 ĐVSN sang tự chủ, giảm 19.980 biên chế hưởng lương ngân sách. Để thực hiện được, Hà Nội ban hành Kế hoạch nâng mức tự chủ ĐVSNCL giai đoạn 2018-2021 cụ thể, có nguyên tắc rõ ràng; thủ trưởng đơn vị nào không hoàn thành hoặc cố tình trì hoãn để được hưởng cả 2 nguồn tài chính sẽ xem xét trách nhiệm hoặc thay thế, những đơn vị không hiệu quả kiên quyết sáp nhập để nâng cao quy mô, hiệu quả. 

Qua đánh giá 199 đơn vị tự chủ, hiệu quả mang lại rõ nét: Tạo quyền chủ động cho các đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính, tăng cường phân cấp trong quản lý giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới; tạo điều kiện mở rộng, khai thác và phát triển nguồn thu, huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tăng thu nhập người lao động… Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng khuyến khích thành lập ĐVSN ngoài công lập, nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo, đến năm 2021 toàn TP có 581 ĐVSN giáo dục ngoài công lập (tỷ lệ 20,6%) với 32.958 giáo viên (26%).

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL, TP đã chủ động tăng quyền tự chủ cho các ĐVSNCL tự chủ chi thường xuyên; cụ thể hóa quyền của các đơn vị về tuyển dụng, tổ chức bộ máy, VTVL ngay tại quyết định phân cấp ngành nội vụ. Việc phân cấp mạnh mẽ giúp giảm rõ rệt TTHC, thời gian giải quyết công việc, có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng kịp thời cho người dân và xã hội. 

Hà Nội cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá các đơn vị sau sắp xếp để thực hiện hiệu quả hơn, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác kiểm tra lồng ghép trong các đoàn kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ. Qua đó tiếp tục phát huy những mặt đạt được, kịp thời khắc phục những khiếm khuyết để làm tốt hơn; các đơn vị đã nhanh chóng ổn định và phát triển.

3 nhóm kiến nghị cụ thể

Từ những kết quả đã đạt được và khó khăn vướng mắc phát sinh qua thực tế triển khai, Chủ tịch UBND TP nêu ra 3 nhóm kiến nghị, đề xuất của Hà Nội để góp phần đổi mới hơn nữa hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động các ĐVSNCL thuộc TP thời gian tới.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội

Thứ nhất, TP đề nghị sớm có giải pháp giải quyết căn bản về biên chế viên chức giáo dục và ký hợp đồng VTVL viên chức giáo viên. Theo Chủ tịch UBND TP, Hà Nội hiện có tới 2.231 ĐVSN giáo dục/2.483 ĐVSN (tỷ lệ 90%) với 99.444 biên chế (chiếm 86% biên chế sự nghiệp Bộ Nội vụ giao năm 2021). Biên chế viên chức giáo viên theo định mức còn thiếu 7.134 chưa được bổ sung; nhu cầu tăng trường, tăng lớp, tăng biên chế do dân số và học sinh vẫn tăng theo tốc độ đô thị hóa; tự chủ lĩnh vực giáo dục khó khăn, đã và đang đặt ra bài toán rất khó khăn với Thủ đô trước yêu cầu đảm bảo đồng thời tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng giáo dục.

“Để triển khai hiệu quả tiếp tục tinh giản biên chế sự nghiệp tối thiểu 10% nhiệm kỳ 2021-2025, Hà Nội kính đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT sớm có giải pháp giải quyết kịp thời với các tồn tại lĩnh vực giáo dục, xác định rõ lại tỷ lệ định mức biên chế, chương trình học theo định mức mới, quan điểm về tự chủ đối với cơ sở giáo dục các cấp mầm non, tiểu học, THCS để các địa phương có cơ sở thực hiện. Các chủ trương của T.Ư đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND TP, Nghị quyết 102-NQ cho phép ĐVSNCL tự chủ một phần chi thường xuyên có thể ký hợp đồng từ nguồn thu sự nghiệp (mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng), song thực tiễn nguồn thu của các trường mầm non, THCS là rất thấp, trường tiểu học không thu học phí. Hà Nội có 1/3 tổng số trường công lập từ bậc học mầm non đến THCS thuộc UBND cấp huyện (703 trường) có tỷ lệ tự chủ dưới 10% (phân loại là đơn vị NSNN đảm bảo chi thường xuyên), 7/30 quận, huyện không có trường công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Do vậy, việc triển khai thực tế rất nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được triệt để. 

Từ đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các bộ xem xét, điều chỉnh Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, cho phép các quận, huyện, thị xã tự cân đối ngân sách chi trả cho HĐLĐ. Khi chưa có văn bản điều chỉnh, cho phép Hà Nội được tạm ký HĐLĐ với số giáo viên còn thiếu tại các ĐVSN giáo dục công lập có mức tự đảm bảo chi thường xuyên dưới 10%, nguồn kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục của UBND cấp huyện.

Thứ hai là về quản lý, kiểm soát khi giao quyền tự chủ cho ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên, Chủ tịch UBND TP cho rằng, mô hình ĐVSN tự bảo đảm chi thường xuyên còn một số tính chất đặc thù, như: Tính chất tự chủ của đơn vị bảo đảm chi thường xuyên mới là tự chủ chi lương và kinh phí thường xuyên, vẫn thuộc đối tượng nhà nước quan tâm đầu tư; việc giao tự chủ tài chính có thời hạn, nhiều đơn vị đã tự chủ không còn khả năng chi trả lương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà Nhà nước phải cấp bù, hỗ trợ ngân sách; chưa có cơ sở để UBND TP ban hành hướng dẫn cụ thể về VTVL và cơ cấu chức danh nghề nghiệp do bộ chuyên ngành chưa ban hành Thông tư hướng dẫn…

Do vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ Nội vụ, bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu xây dựng khung pháp lý thống nhất để kiểm soát khi phân quyền cho các ĐVSN tự bảo đảm chi thường xuyên, trước mắt bộ quản lý chuyên ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn VTVL trong ĐVSNCL theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ.

Nhóm kiến nghị thứ ba, TP đề nghị có giải pháp khả thi đối với việc chuyển ĐVSNCL sang tự bảo đảm chi thường xuyên giai đoạn dịch bệnh Covid-19

Theo Chủ tịch UBND TP, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu của các ĐVSNCL, một số ĐVSN đã tự chủ chi thường xuyên đang gặp khó khăn về nguồn chi trả lương, những đơn vị dự kiến tự chủ theo kế hoạch năm 2021, 2022 phải điều chỉnh lùi lại các năm tiếp theo. Để thực hiện được đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ so với năm 2015, Chính phủ, Bộ Nội vụ cần có giải pháp và hướng đi phù hợp trong việc nâng mức tự chủ ĐVSNCL trong tình hình mới.