Chủ động phù hợp tình hình địa phương và đúng quy định
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, TP Hà Nội sẽ giữ nguyên ĐVHC cấp huyện là 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã; ĐVHC cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp còn 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn; số lượng ĐVHC cấp xã giảm do sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã.
Ban Cán sự Đảng UBND TP đã có tờ trình báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP. Sau khi trình đề án lên Chính phủ, Bộ Nội vụ phê duyệt, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt để thực hiện công tác này, trong đó đặc biệt quan tâm công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức để bộ máy chính quyền tại các xã, phường thực hiện sắp xếp đi vào hoạt động bình thường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Riêng với vấn đề đội ngũ cán bộ, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, Sở đang thực hiện đồng bộ công việc này. Trước mắt, TP hợp nhất nguyên trạng bộ máy. Tất cả cán bộ, công chức của các lĩnh vực tại những đơn vị thuộc địa phương sáp nhập ĐVHC được giữ nguyên, hoạt động ổn định nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến tâm tư, đồng thời nhằm giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này.
Sau đó, với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, TP cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Đồng thời, TP sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính.
Theo rà soát của Sở Nội vụ, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư (bao gồm cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Hà Nội là 1.031 người. Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã sẽ được bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của UBTV Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của TP Hà Nội có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tại các quận, huyện của Hà Nội thuộc diện có ĐVHC cấp xã cần sắp xếp cũng đã chủ động tìm những cách làm phù hợp tình hình địa phương và bảo đảm đúng quy định, để giải quyết tốt nhất vấn đề cán bộ dôi dư.
Điển hình tại Quận Hai Bà Trưng, căn cứ lộ trình thực hiện sắp xếp để giảm số lượng công chức và cán bộ không chuyên trách ở các ĐVHC theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 là được thực hiện giảm dần trong vòng 5 năm, trước mắt, quận sẽ thực hiện cộng con số cơ học giữa các phường được thực hiện sáp nhập. Đặc biệt, ngay từ tháng 8/2023 khi có Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, UBND Quận đã rất chủ động dừng không thực hiện việc thi tuyển đối với công chức phường trong nawm 2023, đồng thời báo cáo TP để không tuyển dụng đối với công chức các phòng ban chuyên môn.
“Điều đó giúp quận có “nguồn” để khi triển khai sắp xếp sẽ có phương án bố trí bảo đảm phù hợp nhất và lộ trình của quận giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách là đạt con số thấp nhất"- Trưởng Phòng Nội vụ Quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nội vụ Quận Hai Bà Trưng, với tổng chỉ tiêu sau khi sắp xếp ĐVHC còn 15 phường, quận sẽ được 225 công chức, đến thời điểm này theo định biên quận được 270 công chức và chỉ có 250 công chức, trong khối phòng - ban - đơn vị sự nghiệp hiện còn thiếu 7 công chức. Như vậy, quận dành ra được 25 - 27 vị trí để có thể bố trí sắp xếp công chức một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm công chức ở các phường thực hiện sáp nhập không bị xáo động tư tưởng, vẫn yên tâm công tác. Sau khi có Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC, sẽ có rất nhiều văn bản hướng dẫn của cấp trên, Phòng sẽ căn cứ đó để tham mưu UBND quận tiếp tục triển khai thực hiện nhằm bảo đảm tất cả công chức đang công tác ở các đơn vị sẽ vẫn được bố trí sắp xếp và không bị ảnh hưởng về tâm tư
Ngoài sắp xếp theo cộng cơ học, quận còn có thể bố trí luân chuyển giữa các phường, khi hiện một số phường đang thiếu công chức; một bộ phận công chức có thể được chuyển lên các phòng ban chuyên môn của quận, sau khi trải qua sát hạch do Sở Nội vụ tổ chức. Với công chức vì điều kiện tuổi mà muốn nghỉ việc, UBND quận cũng giải quyết theo nguyện vọng. Với phường có công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thì có thể giải quyết nghỉ tinh giản biên chế.
Cần cơ chế, tiêu chí cụ thể, thống nhất
Giai đoạn 2023-2025, cả nước sẽ tiến hành sắp xếp 50 ĐVHC cấp huyện và 1.243 ĐVHC cấp xã. Số cán bộ lãnh đạo ĐVHC cấp huyện dôi dư là khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người; cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người. Con số này cao hơn gấp nhiều lần so với số cán bộ dôi dư khi tiến hành sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019-2021.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019-2021, số cán bộ cấp huyện dôi dư là 706 người và cấp xã là 9.705 người. Nhiều địa phương đã lên kế hoạch phấn đấu đến năm 2022 giải quyết xong số người dôi dư, nhưng thực tế, ở cấp huyện đến nay mới giải quyết được cho 361 cán bộ công chức cấp huyện.
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, giải quyết nhân sự dôi dư trong do sắp xếp ĐVHC là một việc khó, bởi cán bộ phần lớn đã được chuẩn hóa, khung biên chế tại các đơn vị cơ bản đã ổn định, hơn nữa đây là vấn đề liên quan trực tiếp lợi ích của cán bộ.
Để giải quyết chế độ chính sách với cán bộ dôi dư sau sáp nhập, theo Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 và hai nghị định của Chính phủ (Nghị định 29 về tinh giản biên chế, Nghị định 33 về cán bộ công chức cấp xã) cũng đã có quy định cơ chế chính sách tương đối ưu đãi, vượt trội để làm cơ sở để giải quyết dứt điểm số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của giai đoạn trước và cả giai đoạn 2023-2025 đang thực hiện. Giải quyết đối tượng dôi dư này theo hướng các đơn vị cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và dân số tăng lên, trong Nghị định đã quy định được tăng thêm số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Ở góc độ khác, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, cần có một cơ chế, tiêu chí cụ thể thống nhất để phân định rõ ai là người có đủ năng lực phù hợp yêu cầu công tác mới khi sáp nhập. Cụ thể, cán bộ nào tiếp tục ở lại làm việc, cán bộ nào phải chuyển sang các công việc khác - từng địa phương căn cứ tình hình thực tế và đặc điểm, yêu cầu của công việc để có những quy định phù hợp tính chất của địa phương mình.
“Đầu tiên, chúng ta cần căn cứ tiêu chuẩn cán bộ, công chức; thứ hai, hàng năm đều có nhận xét đánh giá kết quả làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức; thứ ba, căn cứ vào nhu cầu của công việc mà hiện đang nói đến vị trí việc làm. Và quan trọng là cần tính đến quá trình đào tạo chuyên ngành chuyên sâu của cán bộ đó”- ông Trần Hữu Thắng đề xuất.
Theo kế hoạch, việc sáp nhập các huyện, xã đợt này cần hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, nên việc sắp xếp nhân sự trong đợt sáp nhập cần gắn với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.