Bộ LĐTB&XH vừa xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.Trong dự thảo, Bộ LĐTB&XH đề xuất trường hợp người hoạt động kháng chiến có con đẻ dị dạng, dị tật được công nhận và đã, đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì được xem xét giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hoá học.Thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ được thực hiện theo 3 bước. Trước hết, cá nhân lập bản khai gửi Sở LĐTB&XH - nơi quản lý hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi cho con đẻ bị dị dạng, dị tật.Tiếp đến, Sở LĐTB&XH trong thời gian 15 ngày, kể từ khi tiếp nhận bản khai, có trách nhiệm kiểm tra và đối chiếu hồ sơ hưởng trợ cấp của con đẻ dị dạng, dị tật đã được xác lập đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xác lập hồ sơ.Sở LĐTB&XH thành lập tổ công tác để kiểm tra, kết luận tình trạng di dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến và ra các quyết định hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo mức suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60%. Các chế độ ưu đãi sẽ được hưởng kể từ ngày Giám đốc Sở LĐTB&XH ra quyết định.Theo giải thích của Bộ LĐTB&XH, sở dĩ Bộ này đưa ra đề xuất trên là bởi, theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công thì người hoạt động kháng chiến sinh con dị dạng, di tật được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như người suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60%.Thế nhưng, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH mới chỉ quy định về hồ sơ xác lập mới cho đối tượng có con chưa được hưởng chế độ ưu đãi con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.Thực tế, một số đối tượng người hoạt động kháng chiến có con đẻ đã được giải quyết chế độ chưa được xem xét giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Việc này dẫn đến các đối tượng bị thiệt thòi, đồng thời phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị.Vì thế, Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung phương án này để không bỏ sót và ảnh hưởng quyền lợi thụ hưởng chính sách của đối tượng.