Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết những vấn đề thực tiễn về an toàn giao thông trong tình hình mới

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy đến nay đã không còn sát với thực tế.

Việc ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hướng tới mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông.

Nhiều điểm mới

Tháng 4 vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT đường bộ) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội.

Dự thảo Luật TTATGT đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

Theo đó, dự thảo Luật TTATGT đường bộ gồm 8 chương, 61 điều bao gồm quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng.

Phạm vi điều chỉnh của Luật TTATGT đường bộ gồm các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ.

Dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968…

Bên cạnh đó dự thảo Luật TTATGT sẽ cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Đồng thời, luật hóa về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ về quyền, nghĩa vụ của người dân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan cần phải luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

Dự thảo mới này cũng sẽ thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.

Để phù hợp với thực tế

Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001 trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy đến nay đã không còn sát với thực tế.

Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Hàng năm vẫn có hàng nghìn người chết, chục nghìn người bị thương do tai tai nạn giao thông trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.

Việc ban hành Luật TTATGT đường bộ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc đảm bảo an toàn giao thông.
Việc ban hành Luật TTATGT đường bộ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc đảm bảo an toàn giao thông.

“Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, sau hơn 15 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, không còn đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam” - Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc ban hành Luật TTATGT đường bộ sẽ bổ sung những thiếu hụt về chính sách an toàn toàn giao thông và chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập về kết cấu và về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008…

Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng văn phòng luật sư Hải Thanh cho rằng, để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ việc bổ sung, điều chỉnh pháp luật là thực sự cần thiết.

“Để những thay đổi đạt được hiệu quả cao cần đảm bảo sự thống nhất giữa Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ, không để chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Cũng cần phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách. Càng chi tiết, cụ thể, rõ ràng, càng dễ áp dụng” - Luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.