Thế nhưng, vì giá rẻ và tính tiện lợi, chúng vẫn tồn tại cùng với những bó rau quả, miếng thịt trong các siêu thị, ngoài chợ hay đơn giản là một vỉ thuốc, khiến nhiều nơi “ngập” trong rác thải.
Thực tế trên đang đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi mỗi người dân, DN cần phải “hành động” cũng như xây dựng được thói quen tiêu dùng “xanh” thông qua việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và cắt giảm sử dụng túi nilon.
Bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, người dân bắt buộc phải phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và phải trả phí thu gom, xử lý theo khối lượng rác hoặc thể tích chất thải. Yêu cầu trên cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, nhằm bảo đảm chia tách rác thải thành các loại khác nhau, đặc biệt là rác thải nhựa - nguồn ô nhiễm chính, để góp phần giảm lượng chất thải cần xử lý, chôn lấp tại các đô thị lớn ở Việt Nam.
Đơn cử như tại Hà Nội, thống kê từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn TP thải ra môi trường khoảng từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Phần lớn rác thải nhựa sau khi thải ra sẽ đến những bãi chôn lấp và thậm chí còn thải ra sông, ra biển.
Chỉ riêng tại các siêu thị, kết quả khảo sát hiện trạng tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại 48 siêu thị trên địa bàn Hà Nội, do Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thực hiện vào năm 2021 cho thấy, trung bình số lượng túi nilon dùng một lần tại các siêu thị này là 104.000 túi/ngày, tương đương 38 triệu túi nilon/năm.
Trước thực tế trên, từ năm 2021 đến nay, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đã kêu gọi các DN ký cam kết tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ; Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam.
Đến nay, đã có gần 20 nhà bán lẻ (bao gồm các tập đoàn, DN trong nước và quốc tế) đăng ký tham gia liên minh và tích cực triển khai các hoạt động không dùng túi nilon tại các đơn vị bán lẻ với hy vọng “Bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống”, qua đó xây dựng xã hội vì môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.
Thực tế thời gian qua, tại một số trung tâm thương mại, siêu thị cho thấy nhìn chung, các hoạt động “không sử dụng túi nilon” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Điển hình như tại AEON Mall, mới đây đã tăng tỷ lệ khách hàng không dùng túi nilon từ dưới 1% lên 7% sau khi chính sách tặng 1.000 đồng cho khách hàng không dùng túi nilon áp dụng từ năm 2020 đến nay, cùng với hoạt động cho khách hàng quên mang túi có thể thuê túi vải thân thiện với môi trường tại quầy thu ngân.
Tại các siêu thị Tops Market, vào các ngày thứ Tư trong tuần, khách hàng sẽ được khuyến khích mang theo túi đựng hàng và nhận voucher mua sắm hay quà tặng. Với các khách hàng chưa kịp chuẩn bị, siêu thị sẽ phục vụ cung cấp thùng giấy carton miễn phí ngay tại cửa hàng và có thể mua các loại túi tái sử dụng với giá ưu đãi...
Cần “cái bắt tay” trách nhiệm từ người dân
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) Nguyễn Trung Thắng, mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị là có thể đạt được. Tuy nhiên, thực tế vẫn cần phải tiến thêm một bước nữa là không phát miễn phí, giảm sử dụng túi nilon. Đồng thời khách hàng cũng cần ý thức trong việc tránh phát thải rác thải nhựa ra môi trường.
Về phía nhà bán lẻ, Trưởng ban Điều phối Ủy ban Phát triển Bền vững Tập đoàn TH Hoàng Thị Thanh Thủy cho hay, việc áp dụng các sáng kiến không sử dụng túi nilon không phải là một công việc dễ dàng và đôi khi gặp phải những thách thức. Tuy nhiên, những khó khăn cũng giúp DN luôn tìm kiếm giải pháp sáng tạo và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường sống. Trong số đó, việc sử dụng túi nhựa sinh học là cách giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường vì chúng có khả năng tự phân hủy. Ngoài ra, phía nhà bán lẻ cũng khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng túi vải canvas thay vì túi nilon.
“Những nỗ lực trên sẽ góp phần trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho hành tinh của chúng ta. Chúng tôi tin rằng mỗi hành động nhỏ hàng ngày có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể. Hơn nữa, cùng với việc giảm sử dụng túi nilon một lần trong tiêu dùng và bán lẻ cũng là cách chúng ta đang xây dựng ý thức tiêu dùng bền vững” – bà Hoàng Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.
Từng công tác trong lĩnh vực môi trường, bà Nguyễn Thị Huyền (ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho biết, bà luôn ý thức được rằng mỗi lần đi chợ, đi mua sắm, việc bớt một túi nilon, bớt đưa túi nilon về nhà, thậm chí là không sử dụng túi nilon, là việc làm ý nghĩa đóng góp cho chính môi trường sống của chính mình. “Vì thế, tôi mong muốn mọi người dân cần phải có trách nhiệm và cùng thay đổi thói quen tiêu dùng, để hướng tới lối sống xanh bền vững hơn” – bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Cho rằng “bức tranh” môi trường hiện nay đang có quá nhiều mảng tối, nếu không có giải pháp giải quyết ngay từ bây giờ, tương lai của nhiều thế hệ trẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, Mai Anh - học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ mong muốn người dân, nhất là giới trẻ cần được phổ cập kiến thức về phân loại rác thải và tác hại túi nilon. Đồng thời, Nhà nước và các DN cần sáng chế ra các loại bao bì thân thiện với môi trường có giá cả hợp lý.
Chia sẻ về một số hoạt động bảo vệ môi trường ngay tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Mai Anh cho biết, trong thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc thi như vẽ tranh, thu gom và tái chế rác thải nhựa, qua đó góp phần nâng cao kiến thức cho học sinh. Các giáo viên luôn tích cực lồng ghép chương trình “Trường học xanh” vào các bài học chính khóa, tạo nên sự mới mẻ, thú vị và thực tế cho các tiết học. Thông qua các hoạt động ý nghĩa này, thầy cô và các học sinh mong muốn cùng nhau lan tỏa những thông điệp, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường sống bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Đánh giá về lộ trình giảm túi nilon tại Việt Nam nói chung và TP Hà Nội - “trái tim” của cả nước, Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) Nguyễn Thị Diệu Thuý tin tưởng rằng, với sự chủ động tham gia của nhiều nhà sản xuất và bán lẻ, trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng.
“Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa một cách toàn diện” - bà Nguyễn Thị Diệu Thúy nói.
Bài dự thi Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023” xin gửi về địa chỉ: Ban Đô thị - Báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Email: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com.
(Mọi thông tin về Cuộc thi xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Ban Đô thị, điện thoại: 098.747.9898).