Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết tranh chấp bằng TTTM: Có đang bị lãng quên tại Việt Nam?

Bài, ảnh: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài đều sử dụng phương thức trọng tài mỗi khi có tranh chấp thương mại cho nên doanh nghiệp Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật chung này.

Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại (TTTM) TP Hồ Chí Minh tại hội thảo “Môi trường pháp lý và các giải pháp quản trị - Marketing cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Trung tâm TTTM giải quyết nhanh hơn tòa án?

Tại hội thảo nhiều câu hỏi được các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đặt ra, như: tranh chấp bản quyền, tranh chấp hợp đồng mua bán, hàng giả - hàng nhái, bảo hộ thương hiệu… như thế nào? Khi DN bị vướng vào những vấn đề trên thì giải quyết thông qua tòa án hoặc Trung tâm TTTM - đơn vị nào có lợi hơn cho DN?
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh đang trả lời những thắc mắc của các DN.
Trả lời những câu hỏi trên, luật sư Hậu nói: “Khi hội nhập kinh tế quốc tế thì các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều và phức tạp, DN Việt Nam cần phải tiếp cận với phương thức trọng tài như là điều khoản cần có trong luật chơi trong nước và quốc tế. Tuy nhiên trong thực tế việc giải quyết tranh chấp bằng TTTM lại bị lãng quên. Vì vậy việc các DN lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thông qua các Trung tâm TTTM sẽ đem lại những những thuận lợi cho DN, như: thời gian giải quyết tranh chấp nhanh (nếu qua đường tòa án phải qua các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), ít tốn kém chi phí, phán quyết của TTTM là chung thẩm có hiệu lực ngay, giữ được bí mật kinh doanh, khách hàng được lựa chọn trọng tài viên có chuyên môn tương ứng với vụ tranh chấp để giải quyết tranh chấp, khách hàng cũng có thể được quyền chọn địa điểm phán xử, ngôn ngữ khi phán xử… Đặc biệt quyết định của TTTM được cơ quan thi hành án thi hành theo Luật thi hành án dân sự.
Chỉ giải quyết tranh chấp thương mại

Ông Hứa Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ưng, đưa ra trường hợp công ty của ông nhiều năm trước bị nột công ty khác nhái mẫu, nhãn, logo y chang. Sau đó khiếu nại tới Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhiều năm liền, mất thời gian nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. “Trong trường hợp tranh chấp này, TTTM có giải quyết được không? Một vấn đề khác, công ty tôi đầu tư trung tâm tập dưỡng sinh, UBND huyện Bình Chánh yêu cầu phải đăng ký kinh doanh, khi xin cấp giấy phép thì không được cấp với lý do có môn… thiền (tụ tập đông người). Khi lên Sở KH-ĐT xin giấy phép cũng được trả lời không cấp. Trường hợp này TTTM có thể giải quyết hay không”?

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, cho biết liên quan đến SHTT, bản quyền…, các đơn vị bị nhái có thể yêu cầu Cục SHTT hủy văn bằng đã cấp cho đơn vị bị cho là nhái mẫu, logo. Tuy nhiên phải chứng minh được nhãn hiệu, logo đó do mình làm ra. Bởi lẽ trong thực tế có trường hợp công ty A đã sáng chế ra mẫu mã, nhãn… nhưng chưa có thời gian hoặc không đi đăng ký SHTT, sau đó công nhân của công ty đó nghỉ việc lập công ty khác rồi đi đăng ký làm của mình rồi dẫn đến tranh chấp. Vì vậy lien quan đến SHTT nên kiện ra tòa án hoặc nhờ Trung tâm TTTM giải quyết là biện pháp cuối cùng.

Còn luật sư Hậu khẳng định: “Các Trung tâm TTTM được lập ra chỉ phân xử các tranh chấp từ họat động thương mại giữa DN với DN, giữa DN với cá nhân (về tên miền, SHTT…). Đối với việc UBND huyện Bình Chánh không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì DN có thể dựa vào các quy định của pháp luật để khởi kiện ra tòa hành chính”.

Giúp DN tháo gỡ các vấn đề pháp lý

Hội thảo nêu trên do Hội TTTM TP Hổ Chí Minh phối hợp với Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng thực hiện nhằm hướng dẫn các DN vừa và nhỏ nắm và thực hiện các vấn đề pháp lý khi có xảy ra tranh chấp trong thương mại với đối tác trong và ngòai nước (Bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế; Kiện tụng về phá giá, bảo hộ sản phẩm; Hàng hóa, dịch vụ không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý của quốc tế; Cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Vi phạm các điều khoản hội nhập mà Việt Nam đã ký với thế giới và các đối tác…).