Giải quyết tranh chấp tại biển Đông phải theo luật pháp quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2, tại Indonesia - chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, và cùng người đồng cấp nước chủ nhà chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Indonesia - Mỹ lần thứ tư, nhằm tăng cường hợp tác trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Trong cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo ngoại giao Indonesia và Mỹ đã trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó dành ưu tiên cho việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và sự phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, sự gia tăng căng thẳng trong khu vực liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, giải pháp cho tiến trình hòa bình Syria, và đối phó với các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố quốc tế đến an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Jakarta.            Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Jakarta. Ảnh: AFP
Liên quan đến diễn biến gần đây tại vùng biển khu vực, Ngoại trưởng Kerry đã đặc biệt nhấn mạnh đến mối lo ngại về sự gia tăng căng thẳng hiện nay liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với lập trường cũng như nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực của ASEAN. Ngoại trưởng Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, chứ không phải thông qua các cuộc đàm phán song phương mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Theo ông Kerry, "sự ổn định trong tương lai của khu vực này phụ thuộc một phần vào thành công và tính hợp thời điểm của nỗ lực tạo ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)". Đồng thời khẳng định, COC sẽ giúp các nước giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển Đông một cách hòa bình, tránh xảy ra xung đột. Vì thế, theo Ngoại trưởng Mỹ, quá trình xây dựng COC càng lâu, căng thẳng càng kéo dài và gia tăng mạnh hơn, đồng thời nguy cơ xảy ra một sai lầm nào đó có thể làm bùng phát xung đột lớn hơn.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thư ký ASEAN, gặp gỡ Tổng thư ký Lê Lương Minh hôm 16/2, Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định, Mỹ ủng hộ lập trường cũng như các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của ASEAN ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Washington nhất trí với phương thức giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại, đàm phán hòa bình, không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực. Cam kết này cũng đã được Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương khẳng định với Phó Tổng Thư ký phụ trách Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN Nyan Lynn trong chuyến thăm Ban Thư ký ASEAN ngày 7/2.q

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần