Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí: Luật cần đủ sức răn đe

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dự thảo cần có những bước đột phá để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đô thị đang ở mức báo động như hiện nay.

Cuối tuần qua, dù phương tiện giao thông giảm đáng kể nhưng chất lượng không khí Hà Nội vẫn ở mức rất xấu.

Chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở ngưỡng xấu

Trong suốt một tuần qua, chất lượng không khí của Hà Nội có chiều hướng xấu đi, hầu hết các trạm quan trắc tự động trên địa bàn TP đo được chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém, xấu, có nơi rất xấu.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), trong ngày cuối tuần (22/2 và 23/2) chất lượng không khí tại Hà Nội không có sự chuyển biến, chỉ số AQI vẫn rất cao, các khu vực ở mức rất xấu như: Minh Khai - 270, Hàng Đậu - 266, Trung Yên 3 - 254… Sang đến đầu tuần, mặc dù không còn khu vực ở mức rất xấu nhưng đa phần chất lượng không khí vẫn ở mức kém. Cụ thể, ngày 24/2 chỉ số AQI dao động từ 101 -160 và ở mức kém và xấu, sang đến ngày 25,26/2 chỉ số có giảm nhưng không đáng kể.

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 20/2/2020 tại một số đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỉ lệ khá cao. Riêng tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 6 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém.

Chia sẻ về thực trạng CLKK, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân CLKK xấu không chỉ do thời tiết thay đổi thất thường mà còn bởi sự phát triển nhanh của các đô thị, khu công nghiệp quanh Hà Nội và lưu lượng xe cá nhân ngày càng nhiều, dẫn đến nguồn khí thải càng lớn.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không thể không kể đến khiến cho tình hình ô nhiễm không khí chưa được cải thiện chính là công cụ chính sách chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu quả cao.

Cần thêm những bước đột phá

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đợt ô nhiễm vừa qua xảy ra đúng vào thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, vì vậy lượng người tham gia giao thông giảm đáng kể, nên không thể ngoại trừ nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng nghề tái chế xung quanh Hà Nội. Các điểm quan trắc có chỉ số tăng đột biến lên ngưỡng xấu có thể gần nơi đang có hoạt động đốt ngoài trời.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Luật Bảo vệ Môi trường hiện tại (đã qua 3 lần sửa đổi) nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ô nhiễm không khí, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe.

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu những định hướng cụ thể cho giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Công cụ giám sát, kiểm soát khí thải giao thông, đặc biệt với phương tiện cũ, khí thải từ làng nghề, cụm công nghiệp chưa được kiểm soát chặt.

Bộ TN&MT đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Dương Tùng, dự thảo cần có những bước đột phá hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và làm rõ nhiều vẫn đề đang còn dang dở như: Kiểm soát khí thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề thế nào? Với các nguồn ô nhiễm nhỏ, chưa đến mức phải yêu cầu lắp quan trắc tự động thì quản lý ra sao? Tại sao tiêu chuẩn phát thải, khí thải các phương tiện giao thông lại do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách? Các mức xử phạt đối với các nguồn ô nhiễm không khí có đủ tính răn đe hay chưa.

Với thực trạng chất lượng không khí như hiện nay tại các đô thị lớn, việc đưa ra những điều luật phù hợp với thực tiễn và đủ sức răn đe là cấp bách và cần thiết. Từ đó mới có những bước tiến, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường sống của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần