Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải thưởng Cánh diều 2017: Lại “so bó đũa, chọn cột cờ”

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không nằm ngoài dự đoán, phim tư nhân chiếm vị trí độc tôn trong hạng mục phim truyện điện ảnh của Giải thưởng Cánh diều 2017. Nhưng theo đánh giá của đạo diễn, NSND Nhuệ Giang – Trưởng Ban giám khảo (BGK) hạng mục phim truyện điện ảnh: Hội đồng nghệ thuật đã phải “so bó đũa, chọn cột cờ” để tìm ra một tác phẩm trao giải mặc dù chưa thực sự thỏa mãn.

Nhiều phim phải vớt
Các bộ phim điện ảnh tranh giải tại Cánh diều 2017 hầu hết là phim tư nhân, trong đó không ít phim đã vượt qua tính giải trí để đi tới chất nhân văn như: “Cô Ba Sài Gòn”, “Dạ cổ hoài lang”, “Đảo của dân ngụ cư”… Theo NSND Nhuệ Giang, về cơ bản những phim tham dự giải năm nay đã sáng tạo và chú ý đề cao yếu tố dân tộc. Tuy nhiên, xuất phát là phim thị trường, nên đa số phim vẫn có xu hướng chiều theo khán giả. “Gần 40 phim tham dự Cánh diều 2017, đa phần tính giáo dục thẩm mỹ cho giới trẻ về nghệ thuật điện ảnh còn ít. Phim nghệ thuật rất tiết chế trong dùng nhạc mà chủ yếu dùng hình ảnh còn phim thị trường thì ê hề nhạc từ đầu phim đến cuối phim” - NSND Nhuệ Giang chia sẻ.
Ca sỹ Đông Nhi biểu diễn ca khúc cùng tên trong bộ phim cùng tên 'Cô Ba Sài Gòn' tại giải Cánh diều 2017.
Nhiều người làm chuyên môn thất vọng về tính giáo dục của bộ phim “Em chưa 18”. Câu chuyện yêu đương thiếu thuyết phục, mang tính giải trí là chính có thể đem về doanh thu 200 tỷ đồng cho nhà sản xuất, nhưng hình ảnh, cách thể hiện, sự hợp lý của câu chuyện thì làm thất vọng những người làm nghề. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn đạt giải Cánh diều Bạc 2017. Theo thông tin từ NSND Nhuệ Giang, đa số thành viên Ban giám khảo đều chưa thực sự thỏa mãn với Cánh diều Vàng vì không có phim nào xuất sắc, phim mạnh mặt này lại yếu mặt khác. “Nguyên tắc của Ban giám khảo là phải “so bó đũa chọn cột cờ” cố gắng chọn lấy một phim đạt Cánh diều Vàng để động viên mọi người, trên tinh thần khích lệ để các nhà làm phim có động lực tiếp tục phấn đấu” - NSND Nhuệ Giang nói.

Tìm phao cứu sinh

Điện ảnh Việt đang ở giai đoạn phát triển mạnh nhất từ trước tới nay khi mỗi năm cho ra đời 35 – 40 phim. Trong đó, thành công của phim tư nhân đang dần trở thành xu thế với hàng loạt phim “bom tấm”, mang về doanh thu cao. Tuy nhiên, thành công đó là nỗi lo khi dòng phim chính thống gần như vắng bóng. 3 năm qua, Nhà nước đã không bỏ tiền đầu tư phim, gây nên không ít băn khoăn trong giới nghệ sĩ, diễn viên khi phải từng bước tìm cách lấy lại chỗ đứng cho điện ảnh Việt.

Theo NSND Nhuệ Giang, trước đây vào những năm 80, Hãng phim truyện Việt Nam luôn sôi động nhờ có 10 phim do Nhà nước đặt hàng và tài trợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hãng Nhà nước không còn sản xuất phim là minh chứng cho nền nghệ thuật điện ảnh của Việt Nam đang bị lãng quên, bị bỏ rơi. Nhưng không chỉ dừng lại ở cơ chế đấu thầu gây khó cho điện ảnh Nhà nước, mà phần nhiều kịch bản đã không đủ sức hấp dẫn để Nhà nước bỏ ra đầu tư. Theo diễn viên Trương Ngọc Ánh, giải quyết nút thắt của vấn đề này các hãng phim cần mở rộng đề tài làm phim. Bên cạnh đó, hãng tư nhân và hãng Nhà nước cần kết hợp. Hiện nay, Việt Nam không thiếu các biên kịch trẻ, nhưng hạn chế là họ viết và không biết gửi đi đâu, hoặc không có kinh nghiệm thị trường. Chính vì vậy, quan tâm đến đội ngũ biên kịch trẻ là một vấn đề đặt ra.

Cánh diều là giải thưởng ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của điện ảnh Việt hàng năm. Tuy nhiên, để đây là giải thưởng mang tính chuyên nghiệp và có tầm ảnh hưởng lớn thì không nên trao giải quá dễ dãi đối với những tác phẩm chưa thực sự xuất sắc.