Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải thưởng Kovalevskaia: Niềm tự hào của các nhà khoa học nữ

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 7/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và trao Giải thưởng Kovalevskaia 2016 cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học trong chương trình "Tự hào Việt Nam".

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng danh giá thường niên dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa. Giải thưởng Kovalevskaia trở thành niềm tự hào, niềm tin vững chắc, tạo động lực cho các thế hệ nhà khoa học nữ Việt Nam tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho đất nước.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Giải thưởng Kovalevskaia 2016 cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo đó, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 được trao cho “Tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về Khoa học và công nghệ nano, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng - Giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh”.
Tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về Khoa học và công nghệ nano với tập thể với 5 thành viên đều là các PGS.TS. Các nhà khoa học này đã thực hiện thành công 12 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ, 8 đề tài cấp viện, 6 đề tài cấp quốc gia Nafosted, là tác giả và đồng tác giả của 636 bài viết khoa học, trong đó có 120 bài đăng trên tạp chí quốc tế và có trong danh mục ISI. Các chị là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hóa ướt, để chế tạo, sản xuất ra các loại bột kích thước nano mét (nm). Đó là bột phát quang kích thước vài nano mét, các nano tinh thể các chất bán dẫn nhóm II-VI (và dạng hợp kim của chúng) kích thước nano mét (còn được gọi là các chấm lượng tử), các hạt nano tinh thể TiO2, ZnO. Các chị đã nghiên cứu tính chất cấu trúc, tính chất quang và ứng dụng của các loại hạt nano tinh thể này.
GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng đã tham gia 11 đề tài cấp quốc gia và quốc tế, 01 đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, 01 đề tài của Sở Khoa Học và Công Nghệ TP. HCM và 01 đề tài Nafosted, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, viết và xuất bản 7 sách giáo trình phục vụ giảng dạy đại học và sau đại học của ĐH Khoa học Tự nhiên. GS Phụng đã nghiên cứu 53 loại cây và phát hiện nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú... Các công trình này đã đóng góp vào kho tàng tri thức về cây thuốc Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, góp phần định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này.