Giải thưởng Kovalevskaia: Vinh danh nghiên cứu thực tiễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công trình nghiên cứu của những nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2015 đều có tính ứng dụng cao trong thực tế.

Hôm nay (6/3), tại Hà Nội, đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm giải thưởng Kovalevskaia và trao tặng giải Kovalevskaia 2015 cho 2 nhà khoa học nữ gồm PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà và TS.BS. Phạm Thị Ngọc.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải Kovalevskaia 2015 cho PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà (phải) và TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo (trái)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải Kovalevskaia 2015 cho PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà (phải) và TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo (trái)
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có hơn 20 năm cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học trong ngành công nghệ sinh học. PGS.TS Hà đã làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Công trình đáng chú ý nhất của PGS.TS Hà là nghiên cứu về công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh hoc. Mặc dù ra đời từ năm 1998 nhưng đến nay công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm vẫn hoạt động tốt tại 5 kho dầu lớn nhất của khu vực miền Bắc thuộc Công ty Xăng dầu B12.
PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà hướng dẫn các nghiên cứu sinh
PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà hướng dẫn các nghiên cứu sinh
Ngoài ra, PGS.TS Hà còn có nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn cao như: Công nghệ xử lý loại màu thuốc nhuộm hoạt tính bằng tổ hợp của các enzyme laccase giúp xử lý các chất ô nhiễm trong quá trình nhuộm vải, qua đó loại bỏ được các mối đe dọa tới sức khỏe người dùng. Hay Chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện trong 10 năm. Hiện tại, chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam.

Sự nghiệp cống hiến cho khoa học của PGS.TS Hà được đánh dấu bằng các giải thưởng cao quý như: Giải Nhất giải thưởng VIFOTEC 2001; Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường (2001); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đạt giải thưởng cao Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (2005); Huy chương vàng và bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc (2012) và nhiều Huy chương quốc tế khác

Ngoài ra, PGS Hà còn được cấp 9 bằng sáng chế và 2 bằng giải pháp hữu ích thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường, nguồn gene di truyền từ thiên nhiên Việt Nam để tạo sản phẩm có khả năng thương mại, các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.

Có cùng đam mê như người đồng nghiệp, TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học. Bà hiện là Phó Giám đốc phụ trách hệ hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm trưởng Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Đại học Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP Hồ Chí Minh.
Những công trình nghiên cứu của BS Phạm Thị Ngọc Thảo luôn được áp dụng trong lâm sàng, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân
Những công trình nghiên cứu của BS Phạm Thị Ngọc Thảo luôn được áp dụng trong lâm sàng, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân
TS.BS Thảo đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài tiêu chuẩn các cấp. Tiêu biểu là các đề tài mang tính ứng dụng cao như “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh tại các khoa Hồi sức cấp cứu”, “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não”, “Ứng dụng lọc máu điều trị bệnh lý cấp cứu” và “Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập”.

Với những cống hiến của mình, TS.BS Thảo đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc ưu tú, Huân chương lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân; Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng hai, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua Chính phủ.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học lừng danh của Nga vào thế kỷ 19 là Sophia Vacilievna Kovalevskaia. Đây là giải thưởng có uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam, nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Việc trao giải Kovalevskaia hàng năm không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn được thực hiện ở nhiều quốc gia khác như Peru, El Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi và Mozambic.

Sau 30 năm giải thưởng Kovalevskaia được trao tại Việt Nam đã có 17 tập thể và 44 cá nhân được vinh danh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần