Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải tỏa áp lực tỷ giá

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường ngoại hối tại Việt Nam trong những ngày qua đang có dấu hiệu nóng trở lại.

Tỷ giá USD/VND được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng khi mà đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là nhu cầu đồng USD trong nước thường tăng cao vào những tháng cuối năm.
Ngân hàng rục rịch tăng giá USD
Tính đến ngày 16/11 là phiên thứ 6 liên tiếp tỷ giá trung tâm tăng với tổng cộng 68 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng rục rịch tăng thay vì biến động nhẹ trong thời gian dài. VietinBank tăng 20 đồng và BIDV tăng 10 đồng, cùng lên 22.320 đồng/USD - 22.390 đồng/USD (mua vào - bán ra); Vietcombank tăng 5 đồng, lên 22.310 đồng/USD - 22.380 đồng/USD; ACB tăng 20 đồng, lên 22.320 đồng/USD - 22.400 đồng/USD.
“Việc điều chỉnh linh hoạt này được thực hiện trong bối cảnh một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ và Bảng Anh. Đồng thời, đây cũng có thể xem như bước chuẩn bị cho nhu cầu ngoại tệ có thể tăng vào thời điểm cuối năm khi mà nhu cầu đồng USD thường rất cao” - một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhìn nhận. Thực tế, mặc dù thời gian qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay VND, nhưng chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ vẫn khá cao, do đó các DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ vẫn ưa chuộng vay ngoại tệ nhiều hơn.

Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Quốc dân (NCB) tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở lại cửa cho vay ngoại tệ (từ 1/6/2016 theo Thông tư số 07/2016/TT-NHNN) dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng đã tăng trở lại. Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,  tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 % so với tháng liền trước.
Theo báo cáo tài chính quý III, dư nợ cho vay ngoại tệ của các NHTM như VietinBank tăng mạnh 29,7% so với quý II và tăng 31,6% so với đầu năm; Vietcombank tăng tương ứng là 12,2% và 8,7%; BIDV là 6,9% và 3,5%. Ở nhóm NHTM cổ phần, dư nợ cho vay ngoại tệ của Techcombank quý III tăng mạnh 41,9% so với quý II, sau khi đã giảm 9,1% trong 6 tháng đầu năm; tương tự ở SHB là 9,3%. Và trong tháng 10, nửa đầu tháng 11, tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng cao tại các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu cao điểm cuối năm.
Cung ngoại tệ dồi dào
Trước câu hỏi các khoản cho vay ngoại tệ dành cho đối tượng DN xuất khẩu sẽ tiếp tục mở kéo dài trong cả năm 2017 vừa được NHNN đưa ra có tạo áp lực thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng hay không? Theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại, các ngân hàng đều cung cấp các sản phẩm mua bán ngoại tệ kỳ hạn nên DN có thể sử dụng các sản phẩm này. Khi xuất khẩu, ngoại tệ thu về, DN dùng trả lại cho ngân hàng. Đây vẫn được giới chuyên môn xem là một phép tạm ứng tương lai, mà không tác động lớn tới cung - cầu ngoại tệ nói chung.
Công ty Chứng khoán NHTM CP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, tỷ giá được dự báo tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, do áp lực theo tính chất mùa vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, mức biến động của tỷ giá sẽ không lớn vì nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền. “Nếu FED không tăng lãi suất quá đột ngột mà chỉ điều chỉnh tầm 0,25% vào tháng 12 tới thì tỷ giá tại Việt Nam sẽ không có nhiều biến động" - VCBS đánh giá. Theo đó, VCBS kỳ vọng tỷ giá có biến động cũng sẽ không quá 1% cho cả năm 2016.
Ngoài ra, theo một chuyên gia kinh tế, cung ngoại tệ trong nước hiện vẫn dồi dào, với dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất từ trước tới nay (40 tỷ USD), nhu cầu nội địa đã hồi phục, cán cân thanh toán cân bằng hơn, cộng với mức độ lạm phát thấp... sẽ cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ (nhất là kiều hối) dự báo tiếp tục tích cực trong những tháng cuối năm. Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh nhìn nhận, lượng kiều hối đã được bán lại cho ngân hàng khá nhiều nên phần nào giúp nguồn cung ngoại tệ của các tổ chức tín dụng dồi dào hơn và giảm áp lực lên tỷ giá.