Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm: Dẹp chỗ này, phình chỗ kia

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm luôn là vấn đề nhức nhối vì dẹp chỗ này chợ “nhảy” sang chỗ khác. Vì thế để xử lý triệt để đòi hỏi phải đẩy mạnh cải tạo hệ thống chợ dân sinh. Biết vậy, nhưng cái khó là nguồn vốn đầu tư lấy đâu khi Nhà nước không cho phép sử dụng vốn ngân sách và DN không mặn mà.

Khó khăn trong xử lý
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Công tác quản lý Nhà nước cấp huyện trên địa bàn TP Hà Nội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, tổ chức ngày 12/7, Sở Công Thương cho biết, đến cuối năm 2016, Hà Nội có 52 chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên khi TP triển khai xử lý vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè thì trong 3 tháng đầu năm 2017 lại có tới 213 chợ cóc, chợ tạm mới “mọc lên” sau dịp Tết Nguyên đán. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phải kiên quyết trong công tác xử lý. Nếu lực lượng này không báo cáo kịp thời, để phát sinh chợ cóc, chợ tạm thì đội quản lý thị trường tại khu vực đó phải chịu trách nhiệm. Nhờ đó đến nay, Sở Công Thương và các quận huyện đã xử lý được 94 chợ cóc, chợ tạm.
 Chợ cóc tại phố Nguyễn Thiện Thuật, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Mặc dù đã tăng cường xử lý chợ cóc nhưng lý do vì sao những chợ này vẫn hoạt động sau khi giải tỏa? - là câu hỏi được nhiều đại biểu nêu ra. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận: Việc xử lý triệt để chợ cóc, chợ tạm là một bài toán khó do phong tục, tập quán mua bán của người dân, kỷ cương chưa nghiêm và quá trình vận động người dân chưa đạt yêu cầu. Tại một số chợ dân sinh do DN đầu tư, quản lý, khai thác lại đưa ra mức giá thuê địa điểm bán hàng cao gấp 3 - 5 lần so với trước, khiến nhiều tiểu thương không muốn vào kinh doanh. Đây là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng chợ cóc liên tục mọc lên. “Khó khăn trong quá trình xử lý đó là dẹp ở khu vực này lại phát sinh ở khu vực khác. Chỉ cần có bóng cây che nắng thì địa điểm đó cũng thành một chợ cóc” - ông Thăng nói.

Việc trạng tái họp chợ sau khi giải tỏa vẫn diễn ra cho thấy trong quá trình triển khai, chính quyền tại một số địa phương đôi lúc còn chưa quyết liệt, công tác giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm còn chưa triệt để dẫn đến tình trạng tái phát và phát sinh mới các tụ diểm chợ cóc với quy mô nhỏ. Việc ra quân kiểm tra xử lý kết hợp công tác tuyên truyền tuy phát huy hiệu quả bước đầu song những khó khăn trong việc duy trì đã ảnh hưởng tới kết quả thực hiện. Đặc biệt nhiều quận, huyện, thị xã vẫn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp, quản lý, đề xuất các điểm phù hợp để UBND TP cho phép bố trí các hộ kinh doanh vào hoạt động.

Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư chợ

Tại hội nghị, các đại biểu có chung ý kiến, để ngăn chặn tình trạng chợ cóc tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý và kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ. Bà Nguyễn Thị Nắng Mai - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm nêu rõ: Chợ dân sinh có vai trò không thể thiếu được trong đô thị ít nhất trong khoảng 30 đến 50 năm tới, vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, Nhà nước nên coi việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác chợ dân sinh như mô hình dịch vụ công để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước- thương nhân –DN và nhu cầu của người dân.“ Việc cải tạo xây mới hệ thống chợ dân sinh là giải pháp chính để ngăn chặn chợ cóc nhóm họp”- bà Nguyễn Thị Nắng Mai nêu ý kiến.

Về vấn đề đầu tư xây mới, sửa chữa chợ dân sinh bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Mặc dù UBND TP Hà Nội đã chú trọng đầu tư, nhưng hiện nay, vẫn triển khai chậm so với kế hoạch do 130 DN vào bỏ vốn nhưng không có lãi. Chính vì thế, nhiều DN đã không mặn mà với việc tham gia xã hội hóa lĩnh vực này. Đặc biệt nguồn vốn đầu tư chợ đang gặp khó khăn liên quan đến Quyết định 40/2015/QĐ-TTg quy định các tỉnh, TP không gặp khó khăn thì không được dùng ngân sách đầu tư tập trung. “Hiện đang có 83 chợ trong diện cấp bách phải cải tạo nhưng không thể sử dụng vốn ngân sách, vì vậy theo chủ trương của TP, các quận, huyện, thị xã có thể dùng ngân sách của mình để đầu tư cải tạo hệ thống chợ, mở đường góp phần tăng hiệu quả kinh tế cũng như ngăn chặn chợ cóc bùng phát” - bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Từ năm 2011 - 2016, trên địa bàn TP có 43 chợ được đầu tư xây dựng mới, 16 chợ đầu tư xây dựng lại và 95 chợ cải tạo nâng cấp và đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 3.054,256 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo 302 chợ với kinh phí lên đến 3.756,114 tỷ đồng.