Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải tỏa dứt điểm vi phạm công trình thủy lợi

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa lũ năm 2021 đang tới gần, tuy nhiên, tình hình vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp.

Số liệu thống kê mới nhất của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, tổng số vụ vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn TP là 60 vụ. Trong đó, số vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ là nhiều nhất với 24 vụ. Số lượng vi phạm của 3 DN: Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội, sông Tích và sông Đáy lần lượt là 18, 12 và 6 vụ. Trong số các địa phương có ghi nhận vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, huyện Sóc Sơn là địa bàn để xảy ra nhiều vi phạm nhất với 16 vụ. Tiếp đến là các huyện: Thường Tín (13 vụ), Phúc Thọ (7 vụ), Ứng Hòa (5 vụ), Phú Xuyên (4 vụ)…
Người dân trồng cây ăn quả, rau màu trong phạm vi sông Pheo tại quận Bắc Từ Liêm.
Dù số lượng vi phạm công trình thủy lợi phát sinh lớn, tuy nhiên, ghi nhận trong 3 tháng qua, chỉ có 1 vụ thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội được xử lý, 59 vi phạm còn lại vẫn chưa thể xử lý triệt để. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, hiện nay đã chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ năm 2021. Để bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã và 4 DN thủy lợi của TP xây dựng kế hoạch cụ thể để tập trung giải tỏa các vi phạm.

Thời gian tới, liên ngành sẽ tập trung xử lý các vi phạm có ảnh hưởng đến an toàn công trình và khả năng tiêu thoát nước lũ và phục vụ sản xuất, dân sinh. Đặc biệt, bảo đảm an toàn các hồ chứa đóng vai trò quan trọng trong tích nước khi có mưa lớn như: Đồng Mô, Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây); Suối Hai (huyện Ba Vì); Đồng Quan, Ban Tiện (huyện Sóc Sơn)…

Trước tình trạng vi phạm Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phức tạp, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 07/CT-UBND. Theo đó, đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung giải tỏa dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời từ khi vi phạm mới phát sinh. Đặc biệt, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, buộc các đối tượng vi phạm khôi phục lại hiện trạng ban đầu, hoặc tổ chức cưỡng chế theo quy định…